Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 9

Thẩm Quyền của Kinh Thánh

Thi-thiên 119:1-8

"Chúa đã truyền cho chúng tôi các giềng mối Chúa, hầu cho chúng tôi cẩn thận giữ lấy" (câu 4).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Kinh Thánh là cuốn sách có thẩm quyền cho đời sống? Có lời hứa nào cho những người vâng giữ Lời Chúa? Bạn đã áp dụng lời dạy của Chúa trong Kinh Thánh như thế nào trong đời sống? Khi công bố lời Chúa, các tiên tri thường dùng nhóm từ ‘Đức Giê-hô-va phán như vầy,’ họ muốn nói điều gì?

Không có quyển sách nào có thẩm quyền về niềm tin Cơ Đốc hơn Kinh Thánh. Đó là bộ sách với 66 quyển gồm Cựu Ước và Tân Ước, được viết bởi khoảng 40 tác giả khác nhau trong thời gian khoảng 1,500 năm. Các tác giả Kinh Thánh được Chúa Thánh Linh soi dẫn theo cách riêng của mỗi người để trình bày một sứ điệp thống nhất về chương trình và mục đích của Chúa cho loài người.

Cựu Ước viết trong thời gian hơn 1,000 năm, bắt đầu với Sáng-thế Ký và chấm dứt với sách Ma-la-chi. Cựu Ước của Tin Lành gồm 39 sách giống như Kinh Thánh của Do Thái giáo, tuy nhiên phân loại và sắp xếp theo thứ tự khác nhau. Tân Ước gồm 27 sách, viết khoảng 50 năm, nói về cuộc đời của Chúa Giê-xu Cơ Đốc, sự hình thành Hội Thánh, niềm tin và nếp sống của người theo Chúa. Cựu Ước viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, một vài chỗ viết bằng tiếng A-ram, Tân Ước viết bằng tiếng Hy Lạp. Kinh Thánh viết theo nhiều thể loại khác nhau như lịch sử, thi ca, tiên tri, thư tín, chuyện kể, biện luận, tiểu sử, v.v...

Kinh Thánh là bộ sách có thẩm quyền làm nền tảng cho niềm tin Cơ Đốc. Loại bỏ Kinh Thánh là loại bỏ toàn thể sứ điệp của Cơ Đốc giáo. Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời, là cẩm nang cho đời sống, nhưng điều đáng buồn là nhiều người đã không biết đến và cũng không quan tâm đến Kinh Thánh.

Thi-thiên 119 viết theo thể thơ nói lên sự đầy đủ và trọn vẹn của Lời Đức Chúa Trời. Chỉ trong 8 câu đầu chúng ta cũng thấy được thẩm quyền của Lời Chúa. Câu 1 cho thấy người có phước là người "đi theo," nghĩa là được Lời Chúa bảo vệ, gìn giữ để được trọn vẹn trong đường lối mình. Câu 2 cho thấy người vâng giữ chứng cớ - Lời Chúa - là người được phước. Câu 3 cho thấy người đi trong các lối Ngài - trong Lời Chúa - thì Lời Chúa giữ gìn họ để không làm điều trái lẽ công chính. Câu 4, giềng mối Chúa: Lời Chúa - được chính Ngài ban cho nên chúng ta có trách nhiệm cẩn thận làm theo, không phải muốn làm hay không tuỳ ý mỗi người. Câu 5-8 tác giả chuyển sự xác nhận về Lời Chúa qua sự cầu nguyện, và ông cho biết dù ông vâng giữ, làm theo Lời Chúa nhưng sức mạnh của việc làm đó cũng đến từ Chúa, nên ông không hổ thẹn mà còn ca ngợi chúc tụng Chúa. Từng ngày đến với Lời Chúa chắc chắn chúng ta kinh nghiệm thẩm quyền của Lời Chúa trên cuộc đời của mình.

Hoàng đế Napoleon thừa nhận: "Kinh Thánh không chỉ là cuốn sách. Đó là Lời Sống có quyền năng chinh phục tất cả những gì chống lại nó." Vinh quang của các đế quốc như Ba-by-lôn, Hy Lạp, La Mã đã tàn lụi nhưng Kinh Thánh vẫn trường tồn. Mọi sự trên thế gian đều qua đi như hoa cỏ. "Cỏ khô, hoa rụng, vì hơi Đức Giê-hô-va thổi qua... Cỏ khô, hoa rụng; nhưng Lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời!" (Ê-sai 40:7, 8).

Daniel Webster, một chính trị gia nổi tiếng của Mỹ nói: "Tôi biết ơn cha mẹ tôi đã có công dạy tôi biết yêu mến Lời Chúa từ khi còn thơ ấu. Nếu chúng ta sống theo lời dạy của Kinh Thánh, đất nước chúng ta sẽ tiếp tục thịnh vượng; nếu chúng ta và con cháu chúng ta sao nhãng sự dạy dỗ và thẩm quyền của Kinh Thánh, không ai có thể nói trước những tai hoạ bất ngờ có thể giáng trên chúng ta và chôn vùi tất cả những vinh quang của chúng ta xuống vực sâu của tăm tối."

Cám ơn Chúa vì Ngài ban Kinh Thánh để làm kim chỉ nam cho đời sống. Xin Chúa giúp con luôn đặt Lời Ngài làm thẩm quyền cao nhất trong mọi khía cạnh của đời sống con.

(c) 2024 svtk.net