Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 33

Điều Gì Là Quan Trọng Nhất Trong Cuộc Đời?

* Lời Kinh Thánh chép về người trẻ tuổi:

"Trong buổi còn thơ ấu hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hoá ngươi Lại hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hoá trước khi dây bạc đứt, và chén vàng bể, trước khi vò vỡ ra bên suối, và bánh xe gãy ra trên giếng; và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó." (Truyền-đạo 12:1, 6-7).

Henry H. Halley, một Mục Sư và là nhà bình luận Kinh Thánh lỗi lạc, sau nhiều năm đọc Kinh Thánh và nhiều sách khác đã nói rằng: "Kinh Thánh là tài sản quý giá hơn hết của loài người." Tại sao người nầy đã nói như thế? Vì chỉ có Kinh Thánh là quyển sách duy nhất bày tỏ về sự cứu rỗi, về sự sống đời đời do Đức Chúa Trời ban cho con người qua Đức Chúa Giê-xu Christ mà thôi. Chắc chắn con người không thể nào tìm thấy thông điệp đó ở bất cứ sách nào ngoài Kinh Thánh trải qua mọi thời đại.

Sự cứu rỗi linh hồn trong Chúa Giê-xu là điều quan trọng hơn tất cả, vì nếu giả như bạn có được tất cả mọi điều trên trần gian nầy đi chăng nữa, mà bạn không có được sự cứu rỗi trong danh Chúa Giê-xu thì tất cả mọi điều đó đều trở thành vô nghĩa mà thôi. Tiền bạc, địa vị, danh vọng, học thức là những khao khát của nhiều người, nhưng những điều đó không bao giờ làm thoả mãn cuộc đời chúng ta. Những điều đó giống như nước biển, khi bạn càng uống thì càng thấy khát.

Nhưng một khi bạn có được sự cứu rỗi linh hồn trong Chúa Giê-xu, thì bạn sẽ kinh nghiệm được sự thoả mãn trong đời sống, một sự thoả lòng thật sự mà bạn chưa từng kinh nghiệm trước đó bao giờ. Đó là một điều chắc chắn. Thánh Aurelius Augustin ngày xưa đã từng nói rất đúng rằng: "Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng ta cho chính Ngài. Tâm hồn con người sẽ không bao giờ an nghỉ cho đến khi nào nó tìm được sự nghỉ an ở trong Chúa." Lời Kinh Thánh trong sách Ti-mô-thê thứ nhứt, đoạn 6, câu 6 đến câu 8 khẳng định: "Vả, sự tin kính cùng sự thoả lòng, ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thoả lòng."

Bạn thấy đấy, để có thể sống được một đời sống thoả lòng thật sự, thì trước tiên, bạn phải đặt đức tin nơi Chúa Giê-xu. Vì chính Chúa Giê-xu và chỉ có Chúa Giê-xu là Đấng duy nhất mới làm cho bạn được thoả mãn trong cuộc đời nầy. Bởi Ngài là Nguồn Sống cho con người chúng ta. Nhận chân được điều đó, nên thánh Phao-lô ngày xưa khi đã tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa cho đời mình, đã tuyên bố một cách mạnh mẽ rằng: "Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Giê-xu Christ là quý hơn hết. Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi đều lợi đó." (Phi-líp 3:8).

Martin Luther, nhà cải chánh Giáo hội người Đức nổi tiếng đã có lần nói rất chí lý: "Tôi đã ôm trong tay nhiều thứ nhưng rồi mất tất cả, chỉ những gì tôi trao vào tay Chúa là còn thôi." Còn Lep Tonstoi, một nhà văn lớn của Nga và của thế giới thì nói: "Biết Chúa là sống!"

"Tưởng nhớ Đấng Tạo Hoá", hay tin thờ Chúa là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của một con người. Vì có Chúa là có tất cả, không có Chúa là không có gì cả. Có Chúa trong cuộc đời thì bạn mới có được một đời sống thoả lòng thật sự, bạn mới được yên nghỉ thật sự.

Hưởng được sự cứu rỗi linh hồn là điều quan trọng nhất trong cuộc đời nầy. Ngược lại là một điều bất hạnh khủng khiếp. Chính Chúa Giê-xu đã khẳng định: "Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?" (Ma-thi-ơ 16: 26).

Bạn đã "tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa" trong lòng mình chưa? Bạn đã có Chúa Giê-xu hiện diện trong đời sống của bạn chưa? Bạn đã hưởng được sự cứu rỗi linh hồn bằng cách tin nhận Chúa Giê-xu Christ làm Cứu Chúa cho cuộc đời của mình chưa?

Nếu chưa, thì hôm nay, ngay giờ nầy, ngay trong mùa xuân mới nầy chính là cơ hội, dịp tiện tốt nhất cho bạn để tưởng nhớ Ngài, để tin nhận Ngài. Xin mời bạn hãy quyết định đến với Chúa Giê-xu ngay hôm nay để được hưởng sự cứu rỗi linh hồn, để hưởng được mùa xuân tâm linh tươi mới, phước hạnh miên viễn cho cuộc sống của chính mình.

Xin mời bạn!

-Mục Sư Nguyễn Đình Liễu –