Trước tiên, Kinh Thánh là Lời cảm ứng của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô đã viết, "Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình;” (2 Ti-mô-thê 3:16). Chữ "soi dẫn” ở đây có nghĩa là "được Chúa hà hơi.”
Nhưng điều đó nghĩa là gì ? Phi-e-rơ giúp chúng ta hiểu rõ hơn khi ông nói rằng người thánh của Chúa nói khi họ được "cảm động” bởi Đức Thánh Linh (câu 21). Từ "cảm động” trong tiếng Hy lạp nghĩa là "được soi sáng và hậu thuẫn”.
Đó cũng là chữ được dùng trong Công vụ các Sứ đồ để mô tả chuyến đi vượt biển của sứ đồ Phao-lô khi ông trên đường tới La-mã. Chiếc tàu gặp phải một trận bão kinh hồn và trông như nó sắp sữa đâm vào đá. Để cứu lấy chiếc thuyền và mạng sống của chính mình, thủy thủ đoàn đã ném hết đồ đạc xuống biển cho tàu nhẹ bớt, quấn dây thừng quanh thân tàu cho chắc và hạ buồm xuống để mặc nó trôi theo từng đợt gió (Công vụ 27:17). Chữ "driven” (đưa trôi đi) và "Moved” (cảm động) được dịch từ cùng một từ trong tiếng Hy lạp.
Cơn gió thổi chiếc tàu đi thể nào thì hơi thở của Đức Chúa Trời trên người thánh cũng thể ấy. Họ được Ngài thúc giục, soi sáng và hậu thuẫn trong công tác này. Ngài cảm động họ viết xuống những lời trong Kinh Thánh.
Các tác giả Kinh Thánh không phải là những người tự phát. Họ cũng không phải tự mình tư duy mà được. Họ là những người nhận được quyền năng và sự thúc giục từ nơi Đức Chúa Trời để viết ra những lời ấy. Lời Chúa đối với họ như lửa đốt cháy trong xương, giống như tiên tri Giê-rê-mi có viết, khiến họ không thể giữ lời ấy cho riêng mình.
Vậy, sự cảm thúc của Đức Thánh Linh nghĩa là nguồn và động lực cho những lời tiên tri được viết ra. Điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời soi sáng và canh giữ những người viết Kinh Thánh để họ truyền tải thông điệp Ngài muốn cho chúng ta. Bởi thế, Phi-e-rơ đã nhấn mạnh đến tác quyền kép của Kinh Thánh, đó là sự đồng công của Đức Chúa Trời và loài người. Công thức cho sự thần cảm là : Đức Thánh Linh nhân với các thánh nhân bằng Kinh Thánh.
Sự cảm thúc có phạm vi thế nào ? Để giúp chúng ta, Phi-e-rơ đã dùng hai từ phủ định. Ông viết, "Chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh lấy ý riêng giải thích được” ("No prophecy of scripture is of any private interpretation”) (2 Phi-e-rơ 1:20), và "Chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra” ("Prophecy came not by the will of man”) (câu 21). Hai từ, "no” và "not” là hai dạng phủ định tuyệt đối trong tiếng Hy lạp. Điều mà Phi-e-rơ muốn nói đó là, "Chẳng có phần nào trong Kinh Thánh là từ loài người mà ra.” Và, "Chẳng có lời tiên tri nào là bởi con người mà có.”
Nói cách hợp lý, nếu Kinh Thánh không có phần nào ra bởi loài người thì toàn bộ Kinh Thánh phải phát nguyên từ Đức Chúa Trời. Phao-lô đã xác nhận điều đó khi ông viết, "Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn” (2 Ti-mô-thê 3:16). Cấu trúc của câu này trong tiếng Hy lạp là loại cấu trúc câu mà chữ "cả” mang nghĩa "từng phần một của một tổng thể”. Vậy thì phạm vi của sự soi dẫn là tới đâu ? Sự soi dẫn bao quát cả Kinh Thánh. Từng phần một của Kinh Thánh đều được Thánh Linh soi dẫn.
Một số người tin rằng trong Kinh Thánh chỉ có một số phần là được soi dẫn. Họ chỉ muốn chọn những phân đoạn mà họ cho là đúng mà thôi. Nếu tôi tin một đoạn Kinh Thánh này nhưng lại không tin một đoạn Kinh Thánh khác thì điều ấy có nghĩa là tôi chẳng hề tin Kinh Thánh mà chỉ tin nơi bản thân mình.
Bằng cách nào Đức Chúa Trời soi dẫn những người viết nên Kinh Thánh ? Cách thức ấy là gì ? Chúng ta không được biết. Tự mình chúng ta phải vật lộn với vấn đề đó. Có hai giả thuyết được đưa ra. Giả thuyết thứ nhất đó là những người viết Kinh Thánh được soi dẫn để viết từng chữ một trong Kinh Thánh. Giả thuyết này cho rằng Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời phán và người ta ghi xuống từng chữ một.
Giả thuyết thứ hai cho rằng chỉ có ý tưởng trong Kinh Thánh được soi dẫn mà thôi. Đức Chúa Trời bày tỏ chân lý cho những người này và cho phép họ diễn đạt theo cách của họ.
Tôi sẽ đưa ra một minh họa. Ở nơi làm việc tại Cơ Quan Hưu Bổng của tôi có khá nhiều thư ký. Khi tôi đọc cho ai viết một lá thư thì tôi có thể nhờ bất cứ viên thư ký nào, bởi lẽ ai cũng viết giống như nhau những điều tôi đọc cho họ.
Tuy nhiên, nếu như tôi nhờ họ viết và chỉ nói cho họ đại khái ý của tôi thì chẳng có thư nào giống thư nào bởi vì mỗi người đều diễn đạt ý của tôi bằng từ ngữ và phong cách riêng của mình. Lá thư vẫn nói lên được ý của tôi nhưng ngôn từ là của họ.
Phương pháp thứ hai mang tính năng động và tôi tin đây chính là phương pháp Đức Chúa Trời sử dụng để ban lời Kinh Thánh cho chúng ta. Đây là cách duy nhất để lý giải cho những phong cách viết khác nhau và những cụm từ đặc biệt mà những người viết Kinh Thánh đã dùng.
Ví dụ như, Chúa Giê-su phán, "Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Đức Chúa Trời.” Khi Ma-thi-ơ chép điều này, ông đã sử dụng từ "kim” mà trong tiếng Hy lạp có nghĩa là một cây kim may sử dụng trong gia đình. Nhưng khi Lu-ca, vốn là một bác sĩ, chép lại câu nói này thì từ ngữ Hy Lạp ông dùng để nói về "kim” lại có nghĩa là cây kim của bác sĩ phẩu thuật. Cả hai người đều diễn đạt cùng một chân lý, nhưng từ ngữ mỗi người dùng thì khác nhau.
Tuy nhiên, điều chúng ta cần quan tâm không phải là phương pháp mà là sản phẩm được thành hình. Tôi tin rằng cho dù là phương pháp nào thì Đức Chúa Trời cũng thật sự đã hướng dẫn các tác giả viết Kinh Thánh để kết quả tổng thể và từng phần đều chính xác như ý Ngài muốn. Đó chính là sự soi dẫn.
PAUL W. POWELL (Theo Hội Thánh Ngày Nay)