(Kính tặng tất cả những người cha kính yêu!)
Một trong những câu chuyện cảm động nhất viết về người cha từ xưa đến nay, mà tôi được biết, đó là câu chuyện về người con trai hoang đàng được ghi lại trong Kinh Thánh sách Lu-ca 15:11-32. Đây là câu chuyện hay nổi tiếng và rất cảm động, được nhiều người biết đến, cả người tin Chúa lẫn người chưa tin. Sở dĩ câu chuyện nầy trở nên nổi tiếng là vì tình cảm của người cha dành cho người con trai hư hỏng của mình, một tình cảm thật cao đẹp và đáng ca tụng đến muôn đời.
Trên trang Wikipedia có một nhận xét về câu chuyện nổi tiếng nầy của Chúa Giê-xu như sau:
“Đây là một trong những dụ ngôn được biết đến nhiều nhất của Chúa Giê-xu, chỉ được chép lại trong Phúc âm Lu-ca, làm nổi bật thông điệp thần học của phúc âm này: Tình yêu và ân điển của Thiên Chúa được ban cho vô điều kiện. Sự tha thứ dành cho người con không dựa trên công đức, vì từ đầu cho đến cuối câu chuyện, khó có thể tìm thấy bất cứ việc lành nào chàng trai đã làm. Chỉ cần hành động quay về trong hối cải là đủ cho tấm lòng bao dung của người cha vẫn hằng mong đợi con mình.”
Câu chuyện có thể được kể tóm tắt rằng: Người cha nọ có hai người con trai. Người em nói với cha phải chia phần gia tài cho mình. Người cha liền chia gia tài cho hai con. Sau khi nhận được phần gia tài của mình, người em liền đi đến một phương xa ăn chơi, hoang phí. Khi tiền bạc hết, gặp cơn đói, anh ta phải đi chăn heo thuê để có cái ăn, anh ta bị đói đến nổi thèm ăn đến cả vỏ đậu của heo, nhưng người ta không cho. Anh ta mới tỉnh ngộ nghĩ về nhà cha giàu có mà tại sao ta phải sống đói khổ thế nầy? Anh bèn quyết định đứng dậy trở về nhà cha. Khi anh đang còn ở đằng xa, thì cha anh đã nhìn thấy, liền chạy ra ôm lấy cổ anh mà hôn, rồi bảo đầy tớ mau mau lấy áo tốt nhứt mặc cho anh, lấy nhẫn đeo vào tay và lấy giày mang vào chân. Rồi sai bắt bò con mập làm thịt ăn mừng.
Người con trai cả đi làm về thấy vậy, liền giận cha rằng: Tôi đã làm mọi việc cho cha mà cha chẳng hề cho tôi lấy một con dê con để ăn chơi cùng bạn hữu, còn con của cha kia là đứa hư hỏng, đi hoang đàng, nay trở về thì cha lại mở tiệc ăn mừng. Người cha bèn nói: Con ơi, con không biết sao, hết thảy của cha là của con đó mà! Nhưng giờ thì chúng ta nên ăn mừng vì em con tưởng đã chết, nhưng may còn sống, tưởng đã mất, nhưng may còn thấy được.
Tôi đã đọc câu chuyện nầy không biết bao nhiêu lần, đã được nghe giảng cũng không biết bao nhiêu lần và chính tôi cũng đã từng giảng câu chuyện nầy nhiều lần, nhưng sao cứ mỗi lần đọc lại nó, tôi đều cảm thấy trái tim mình như rung lên trước tình cảm vô cùng cao đẹp của người cha dành cho đứa con hoang đàng của mình. Người cha trong câu chuyện nầy có một trái tim lớn quá. Lòng bao dung, tha thứ của người cha trong câu chuyện nầy thật vĩ đại làm sao! Tôi tin rằng bất cứ người con hư hỏng đến cỡ nào, nếu đọc hoặc nghe được câu chuyện nầy, thì chắc chắn cũng không thể nào tiếp tục sống hư hỏng được nữa mà sẽ hoàn lương và quay trở về nhà với cha của mình, để được sống trong tình cha con đầy yêu mến.
Câu chuyện cảm động nầy cũng đã được nhà biên kịch, đạo diễn Rob Diamond dựng thành phim với tựa đề “Wayward: The Prodigal Son” và được phát hành vào năm 2014. Rob Diamond tiết lộ lý do tại sao ông chọn chuyển thể câu chuyện nổi tiếng này thành phim:
“Tôi làm “Wayward: The Prodigal Son” bởi vì câu chuyện Kinh Thánh này luôn khiến tôi cảm động một cách sâu sắc.”
Đức Chúa Trời đã dựng nên người cha người mẹ và đã đặt trong lòng họ tình phụ tử, tình mẫu tử thật thiêng liêng, thật rộng lượng, không thể lấy gì đong, đếm được.
Với một người con hư hỏng như thế, đúng lý ra thì khi quay trở về nhà, phải xin tạ lỗi với cha mẹ và với mọi người trong nhà, rồi mới được cho vào nhà, được tiếp nhận lại làm một thành viên trong gia đình như xưa. Được như vậy đã là quá tốt cho người con hư hỏng đó rồi. Nhưng không, câu chuyện đã xảy ra với một chiều hướng tuyệt vời, khiến người đọc, người nghe đều ngạc nhiên, ngạc nhiên đến thán phục trước sự nhân từ hiếm có của người cha, trước trái tim quá lớn của người cha. Không những không có chút gì cố chấp trước sự hư hỏng của người con, không có một tiếng la mắng nào cả, dù là một tiếng la nhỏ nhất, mà tấm lòng người cha lại mở ra một trời thương yêu đẹp đẽ nhất dành cho người con hư hỏng của mình. Người cha đã chủ động chạy đến ôm lấy cổ đứa con hư hỏng, hôi hám mà hôn trong sự yêu thương trìu mến vì con mình đã quay trở về nhà với mình. Không dừng ở đó, người cha còn sai đem áo tốt nhất mặc cho con, đeo nhẫn vào tay, mang giày vào chơn nữa. Chưa hết, người cha còn sai đầy tớ làm bò con mập để mở tiệc ăn mừng con mình đã trở về. Ôi, trái tim của người cha ở đây sao mà vĩ đại quá! Sự tha thứ của người cha dành cho đứa con hư hỏng sao mà dồi dào đến thế!
Cao đẹp thay tình cha!
Tình cha trong câu chuyện trên để lại ấn tượng không thể nào quên được trong lòng người đọc, người nghe, nhưng thưa với bạn, tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại chúng ta còn lớn gấp vạn lần như thế. Đức Chúa Trời là Cha thiêng liêng của mọi người chúng ta, vì chính Ngài đã tạo dựng nên chúng ta từ bụi đất và phú hơi sống của Ngài vào trong chúng ta, để chúng ta được sống động trên trần gian nầy. Lời Kinh Thánh chép rằng: “CHÚA, Đức Chúa Trời nắn nên loài người từ bụi đất, hà sinh khí vào lỗ mũi và người trở nên một linh hồn sống.” (Sáng-thế-ký 2:7 - BDM) (*). Chính vì vậy mà mỗi một người trong chúng ta đều mang ảnh tượng của Ngài trong mình. Cha thiêng liêng của chúng ta đã yêu thương chúng ta như thế nào? Kinh Thánh đã chép lại tình yêu ấy như sau: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nhận Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh phúc.” (Giăng 3:16) Câu Kinh Thánh trên thể hiện rõ nét tình yêu thương vô hạn lượng của Ngài dành cho chúng ta. Đối tượng yêu thương của Ngài là chính chúng ta (nhân loại), vì chúng ta là con cái của Ngài, do chính Ngài tạo nên. Mức độ yêu thương của Ngài là vô hạn lượng (đến nỗi đã ban Con Một của Ngài). Một chỗ khác trong Kinh Thánh nói rõ hơn mức độ tình yêu của Ngài dành cho chúng ta: “Đấng thật đã không tiếc chính Con Ngài, nhưng đã phó Con ấy vì tất cả chúng ta thì làm sao mà Ngài chẳng ban mọi sự luôn với Con đó cho chúng ta.” (Rô-ma 8:32). Ngài yêu chúng ta trọn vẹn, không giữ lại bất cứ điều gì (ban mọi sự). Chúa Giê-xu đã được ban cho nhân loại hơn hai ngàn năm qua. Thánh Phao-lô đã nói về sự ban cho đó rằng: “Ngài đã tự hạ mình xuống, chịu vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên thập tự giá.” (Phi-líp 2:8). Chúa Giê-xu đã vì mọi tội nhân mà nếm sự chết, thậm chí chết trên cây thập tự, Ngài cũng bằng lòng. Thật mức độ tình yêu của Ngài dành cho con người chúng ta là trọn vẹn. Mục đích tình yêu của Ngài dành cho chúng ta là để cho chúng ta được hưởng sự sống đời đời (để ai tin nhận Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh phúc). Sự sống vĩnh phúc là sự sống sung mãn và đầy ý nghĩa mà Chúa ban cho bất cứ ai ngay khi tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa, làm Chủ cuộc đời, kéo dài đến vô tận trong cõi vĩnh hằng với Chúa trên Thiên đàng.
Người cha thuộc thể dầu có yêu thương con cái bao nhiêu đi chăng nữa, thì cũng bị giới hạn bởi cuộc sống ngắn ngủi; nhưng Đức Chúa Trời là Cha thiêng liêng của chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta bằng tình yêu đời đời, không bao giờ dứt, không phai tàn theo thời gian và không gian, vì Ngài là Đấng vĩnh hằng. Lời Kinh Thánh chép rằng: “Ta đã yêu con với tình yêu muôn thuở. Vì thế, Ta vẫn tiếp tục bền lòng yêu con.”(Giê-rê-mi 31:3). Tình yêu của Chúa dành cho chúng ta là tình yêu muôn thuở. Đó thật là một sự khích lệ lớn lao cho bất cứ ai đặt đức tin nơi Chúa Giê-xu, không sợ hãi gì hết. Vì Ngài còn mãi, tình yêu của Ngài còn mãi và ở trong Ngài, chúng ta cũng sẽ còn mãi.
Vĩ đại thay tình Trời-Cha thiêng liêng của con người chúng ta!
Người cha thuộc thể nào rồi cũng phải chết, nhưng Cha thiêng liêng thì không bao giờ chết. Người cha thuộc thể là tạm thời, còn Cha thiêng liêng là đời đời. Người cha thuộc thể là hữu hạn, nhưng Cha thiêng liêng là vô hạn. Người cha thuộc thể chỉ có thể yêu thương chúng ta trong cõi đời nầy, còn Cha thiêng liêng thì yêu thương chúng ta ngay trong cõi đời nầy và mãi mãi luôn trong cả cõi đời sau miên viễn nữa.
Người cha thuộc thể trong câu chuyện trên luôn mong ngóng đứa con hư hỏng trở về nhà để được chăm sóc và nuôi nấng trong tình yêu thương. Cha thiêng liêng là Đức Chúa Trời cũng luôn mong ngóng bạn và tôi là những tội nhân hư hỏng quay về với Ngài để được sống trong tình yêu không phai tàn của Ngài và hưởng mọi phước hạnh ở trong Ngài.
Cách đây khá lâu, tôi đã làm một cuộc quay về với Cha thiêng liêng của mọi người chúng ta, là Đức Chúa Trời rồi. Và tôi thật sự thoả vui khi được sống trong sự bảo vệ, che chở của Ngài, không sợ hãi gì hết. Sống bình an trong đời nầy và biết chắc chắn nơi mình sẽ đi đến ở đời sau khi kết thúc cuộc sống trên trần gian nầy. Nơi đó không đâu khác hơn là Thiên đàng phước hạnh. Tạ ơn Chúa! Tôi đã kinh nghiệm được cái phước hạnh khi được làm con của Cha thiêng liêng trên trời, nên tôi mạnh dạn mời bạn hãy đến với Ngài, hãy mạnh dạn làm một cuộc trở về nhà Cha thiêng liêng như người con trai hoang đàng trong câu chuyện kể ở trên đã quyết định đứng dậy trở về nhà cha của mình. Chắc chắn bạn sẽ chấm dứt những ngày tháng đen tối, đau buồn và sầu khổ, thay vào đó là một đời sống mới đầy tin yêu và hy vọng.
Bất cứ lúc nào bạn quyết định trở về nhà Cha thiêng liêng của mình, thì bạn cũng sẽ được Ngài đón tiếp bạn một cách vui mừng, vì Ngài muốn bạn được hưởng mọi phước hạnh ở trong Ngài. Đức Chúa Trời đang chờ bạn và tôi cũng vậy, đang chờ bạn về trong nhà của Ngài với tôi để chúng ta cùng nhau hưởng mọi ơn phước mà Cha thiêng liêng luôn sẵn dành cho chúng ta.
Thi sĩ Tường Lưu, một thi sĩ Cơ-đốc nổi danh có những câu thơ viết về Cha thiêng liêng rất cảm động như sau, xin được trích dẫn ra đây như là một lời mời gọi tha thiết bạn đến với Cha thiêng liêng của mình:
Con cảm tạ Cha trọn tấm lòng
Cha là hạnh phúc của đời con
Nữa mai con sẽ về quê thánh
Lời cảm tạ Cha mãi mãi còn
Hãy trở về nhà Cha thiêng liêng ngay hôm nay bạn nhé!
Kính chúc tất cả những người cha một ngày Lễ Cha thật nhiều niềm vui và hạnh phúc trong thiên chức làm cha mà Đức Chúa Trời đã ban cho!
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
(*): Những câu Kinh Thánh trong bài viết là trích từ Kinh Thánh Bản Dịch Mới (BDM).