Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 5 | Hướng Dẫn

Bài 6

HAI SỨ ÐỒ PHI-LÍP VÀ NA-THA-NA-ÊN

GIĂNG 1:43-51

 

Thưa quí vị, tuần trước chúng ta học về sứ đồ Anh-rê. Bây giờ chúng ta sẽ học hai vị sứ đồ khác trong sách Tin-lành Giăng đoạn 1, một người tên Phi-líp,và một người tên Na-tha-na-ên:

 

43. Qua ngày sau, Ðức Chúa Giê-xu muốn qua xứ Ga-li-lê, tìm Phi-líp, mà phán rằng: Hãy theo ta.

44. Vả, Phi-líp là người Bết-sai-đa, đồng thành với Anh-rê và Phi-e-rơ.

45. Phi-líp gặp Na-tha-na-ên, nói với người rằng: Chúng ta đã gặp Ðấng mà Môi-se có chép trong luật pháp, và các đấng tiên tri cũng có nói đến; ấy là Ðức Chúa Giê-xu ở Na-xa-rét, con của Giô-xép.

46. Na-tha-na-ên nói rằng: Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao? Phi-líp nói: Hãy đến xem.

47. Ðức Chúa Giê-xu thấy Na-tha-na-ên đến cùng mình, bèn phán về người rằng: Nầy, một người Y-sơ-ra-ên thật, trong người không có điều dối trá chi hết.

48. Na-tha-na-ên thưa rằng: Bởi đâu thầy biết tôi? Ðức Chúa Giê-xu đáp rằng: Trước khi Phi-líp gọi ngươi, ta đã thấy ngươi lúc ở dưới cây vả.

49. Na-tha-na-ên lại nói: Lạy thầy, thầy là Con Ðức Chúa Trời, thầy là Vua dân Y-sơ-ra-ên!

50. Ðức Chúa Giê-xu đáp rằng: Vì ta đã phán cùng ngươi rằng ta thấy ngươi dưới cây vả, thì ngươi tin; ngươi sẽ thấy việc lớn hơn điều đó!

51. Ngài lại phán: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và thiên sứ của Ðức Chúa Trời lên xuống trên Con người.

 

1. Phi-líp

 

Cho tôi nói về Phi-líp trước. Ông là ai? Có lẽ chúng ta sẽ biết nhiều về Phi-líp hơn nếu đọc một số câu chuyện xảy ra về sau trong sách Tin-lành Giăng. Trong Giăng đoạn 6, Chúa cho nhiều người theo Ngài thức ăn: “4-7. Vả, lễ Vượt-qua, là lễ của dân Giu-đa gần tới. Ðức Chúa Giê-xu ngước mắt lên, thấy một đoàn dân đông đến cùng mình, bèn phán với Phi-líp rằng: Chúng ta sẽ mua bánh ở đâu, để cho dân này có mà ăn? Ngài phán điều đó đặng thử Phi-líp, chớ Ngài đã biết điều Ngài sẽ làm rồi. Phi-líp thưa rằng, Hai trăm đơ-ni-ê bánh không đủ phát cho mỗi người một ít.” Giữa những người sứ đồ, Chúa chọn Phi-líp để hỏi bánh ở đâu mà ăn. Phi-líp nghĩ tới nghĩ lui, không biết trả lời làm sao.

Trong Giăng đoạn 14, Thô-ma thưa với Chúa, “5. Lạy Chúa, chúng tôi chẳng biết Chúa đi đâu; làm sao biết đường được?” Chúa liền trả lời một câu bất hủ, “6. Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống, chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha. Ví bằng các ngươi biết Ta thì cũng biết Cha ta, và từ bây giờ các ngươi biết và đã thấy Ngài.” Nghe vậy, Phi-líp nói, “8. Lạy Chúa, xin chỉ Cha cho chúng tôi, thì đủ rồi.” Ðã từng theo Chúa, nhưng ông không hiểu được hoàn toàn đạo lý của Chúa. Ngay sau khi Chúa nói rõ ràng là Ngài là Chúa Cha, ông lại xin Chúa Giê-xu cho ông biết Chúa Cha. Ðức Chúa Giê-xu đáp, “9. Hỡi Phi-líp, ta ở cùng các ngươi đã lâu nay, mà ngươi chưa biết ta. Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha. Sao ngươi lại nói rằng: “Xin chỉ Cha cho chúng tôi?”

Giăng 12 cũng có câu chuyện liên quan đến Phi-líp: “20-23 Vả, trong đám đã lên đặng thờ lạy trong kỳ lễ, có mấy người Gờ-réc, đến tìm Phi-líp, là người ở thành Bết-sai-đa, thuộc xứ Ga-li-lê, mà xin rằng: Thưa chúa, chúng tôi muốn ra mắt Ðức Chúa Giê-xu.” Không biết phải làm gì, “Phi-líp đến nói với Anh-rê; rồi Anh-rê với Phi-líp mới đến thưa cùng Ðức Chúa Giê-xu.”

Ba câu chuyện đó cho chúng ta thấy một điều về Phi-líp. Nếu phải nói ngắn gọn, tôi có thể diễn tả ông bằng một câu: “Thông minh nhưng chậm hiểu!” Ði theo Chúa Giê-xu bao nhiêu năm, nghe bao nhiêu lời dạy, thấy bao nhiêu phép lạ của Ngài, nhưng ông vẫn không hiểu được Ngài, đến nỗi Ngài phải cứ chọn ông để hỏi, thử, và dạy dỗ ông.

Trong đoạn Kinh Thánh chúng ta học hôm nay, Giăng cho chúng ta thêm một chí tiết khác về Phi-líp: “44. Vả, Phi-líp là người Bết-sai-đa, đồng thành với Anh-rê và Phi-e-rơ.” Chắc quý vị nhớ bài học tuần trước: Sau khi tin Chúa, Anh-rê vội vã tìm người anh của mình là Phi-e-rơ và mời đến với Ngài. Có thể ông cũng chạy tìm một số người khác nữa. Nhưng dầu Kinh- thánh không nói, tôi đoán là ông không thèm mời những người chậm hiểu như Phi-líp. Anh-rê nghĩ đến anh em mình trước, rồi có thể đến những người thông minh, tài giỏi. Nhưng đó không phải là điều quan trọng; điều quan trọng là Chúa Giê-xu có thèm mời ông hay không. Chúng ta đọc câu kế tiếp, “43. Qua ngày sau, Ðức Chúa Giê-xu muốn qua xứ Ga-li-lê, tìm Phi-líp, mà phán rằng: Hãy theo ta.” Không kiếm những người thông minh, tài giỏi, giàu có, bằng cấp, Chúa lại đích thân đến xứ Ga-li-lê kiếm một người chậm hiểu như Phi-líp, để làm sứ đồ của Ngài, để làm nhà lãnh đạo của hội thánh Chúa.

Ðó là cách Chúa làm. Ngày nay, Chúa không còn chọn sứ đồ, nhưng chọn tín đồ. Nếu trong phòng này có người nào nghĩ mình chậm chạp, ít học, không được minh mẫn, xin quý vị biết rằng Chúa đã đích thân chọn quý vị, và có nhiều người khác thông minh, tài giỏi hơn nhiều nhưng lại không được diễm phúc đó. Chúa không xét và chọn người theo tiêu chuẩn của đời. Chúng ta được chọn chỉ vì ân điển. Dầu không ra chi, không xứng đáng, không bằng bao nhiêu người khác nếu so sánh theo những tiêu chuẩn trên đời, chúng ta lại được Chúa chọn, như Phi-líp chậm hiểu được Chúa đích thân tìm đến vùng Ga-li-lê chọn làn sứ đồ.

 

2. Na-tha-na-ên

 

Giống như Anh-rê, sau khi tin Chúa, tự nhiên Phi-líp muốn đem Tin-lành chia xẻ cho người khác, và một trong những người ông gặp là Na-tha-na-ên, sau đó cũng trở thành một sứ đồ của Chúa. Chúng ta nghe tên Na-tha-na-ên trong sách Tin-lành Giăng, nhưng không thấy tên này trong ba sách Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca. Những cuốn sách đó lại nói đến một sứ đồ tên Ba-tha-lô-miu, có nghĩa là “Con của Tha-lô-miu.” Nhiều học giả đồng ý rằng Na-tha-na-ên nói đến trong Giăng là Ba-tha-lô-miu trong các sách Tin-lành khác.

Tìm gặp Na-tha-na-ên, Phi-líp vội nói, “Chúng ta đã gặp Ðấng mà Môi-se có chép trong luật pháp, và các đấng tiên tri cũng có nói đến; ấy là Ðức Chúa Giê-xu ở Na-xa-rét, con của Giô-xép.” Ðây là một lời làm chứng bao gồm một niềm tin cá nhân: “Chúng ta đã gặp,” bao gồm những bằng chứng trong Kinh-thánh “Ðấng mà Môi-se có chép trong luật pháp, và các đấng tiên tri cũng có nói đến,” và bao gồm một đối tượng niềm tin rõ ràng, “Ðức Chúa Giê-xu ở Na-xa-rét, con của Giô-xép.” Nhưng vì mới biết Chúa, Phi-líp chưa biết nhiều: Dầu sinh trưởng và hành nghề thợ mộc ở làng Na-xa-rét, Chúa Giê-xu sinh ra ở Bết-lê-hem. Hơn nữa, dầu là con của Giô-xép trên phương diện pháp luật, Ngài được thụ thai bởi Ðức Thánh Linh. Bà Ma-ri sanh Chúa Giê-xu trước khi có liên hệ tình dục với Giô-xép. Nhưng Phi-líp không đợi cho đến khi biết hoàn toàn về Chúa Giê-xu mới đi ra nói về Ngài, vì biết đến khi nào chúng ta mới biết đủ về Thượng Ðế?

Nghe như thế về Chúa Giê-xu, phản ứng đầu tiên của Na-tha-na-ên là, “46 Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao?” Câu này cho chúng ta biết một tí về Na-tha-na-ên. Thứ nhứt, ông không phải là người thiếu hiểu biết. Ông biết Na-xa-rét lúc đó là một thành phố nhỏ, quê mùa trong một góc của xứ Ga-li-lê, không đáng để ý đến. Ông cũng thông hiểu Cựu Ước, và biết Cựu Ước tiên đoán là Ðấng Cứu Rỗi sẽ được sinh ra trong thành Bết-lê-hem, chứ không phải Na-xa-rét, như Mi-chê 5:1 chép, “Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi ở trong hàng ngàn Giu-đa là nhỏ lắm, song từ nơi ngươi ra sẽ cho ta một Ðấng cai trị trong Y-sơ-ra-ên, gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng.”

Không những là người có kiến thức về Cựu Ước và địa lý, Na-tha-na-ên cũng là người có đầy sự nghi ngờ, không sẵn sàng tin ai hết. Không phải là người bồn chồn, hấp tấp, nhẹ dạ, ai nói gì cũng tin, ông muốn tự mình suy xét kỹ càng mọi điều. Ngày hôm nay chúng ta gặp rất nhiều người như vậy. Có nguyên một thế hệ được gọi là thế hệ X, trong đó người ta hay nghi ngờ, không sẵn sàng chấp nhận những điều cha mẹ hay người khác dạy mình. Ðây là một thái độ rất tốt, mà chúng ta phải học. Chúng ta không đến với đạo Chúa một cách mù quáng, nhưng chỉ tin sau khi chính mình đã tìm tòi cặn kẽ, nghiên cứu chín chắn và thấy hữu lý.

Sau khi nghe Na-tha-na-ên bày tỏ sự nghi ngờ về Chúa Giê-xu, vì không cải lẽ được, Phi-líp nói một câu giống như Chúa Giê-xu đã nói, “Hãy đến xem.” Ðiểm hay của Na-tha-na-ên là, mặc dầu nghi ngờ, ông không gạt lời mời của Phi-líp qua một bên, nhưng đồng ý tìm đến Chúa. Nghi ngờ mọi sự và luôn luôn cho mình đúng là thiếu khôn ngoan, nhưng dầu nghi ngờ, biết khách quan suy xét vấn đề và sẵn sàng thay đổi ý kiến nếu thấy mình sai là thái độ chúng ta phải học. Cũng vậy, khi đi ra làm chứng cho Chúa, nếu gặp một người đặt nhiều câu hỏi hóc búa, xin chúng ta đừng vội bỏ cuộc. Theo kinh nghiệm của tôi, sau bộ mặt nghi ngờ, những câu hỏi hóc búa, những lời nói mai mỉa, thường là một tấm lòng tìm kiếm, khao khát Chúa. (Chính những người cứ nói theo, “vuốt đuôi” chúng ta nhưng không thật lòng là những người khó tin Chúa hơn ai hết.) Ai trong mỗi người cũng đều muốn biết những điều trên cao, và tôi tin rằng nếu chúng ta thật lòng mời, họ sẽ tìm đến Chúa như Na-tha-na-ên. Tôi cũng nhận thấy rằng, khi những người này tin Chúa, họ sẽ có một niềm tin rất vững chắc.

47. Ðức Chúa Giê-xu thấy Na-tha-na-ên đến cùng mình, bèn phán về người rằng: Nầy, một người Y-sơ-ra-ên thật, trong người không có điều dối trá chi hết. Tôi cần giải thích rõ ràng hơn câu nói nầy. Ngày xưa, Áp-ra-ham có một người con độc nhất tên Y-sác. Vợ Y-sác tên Rê-bê-ca có mang và sanh đôi. Khi sanh ra, đứa sau tên là Gia-cốp nắm lấy gót chân đứa trước tên là Ê-sau (Sáng thế ký 25:26). Gia-cốp là người dối trá, nham hiểm, luôn luôn tìm cách ăn hiếp anh mình. Ðặc biệt ông luôn tìm dịp tiện để tước lấy quyền trưởng nam của anh. Nhưng trong đời Gia-cốp có hai biến cố làm thay đổi con người của ông. Cho tôi nói đến biến cố thứ hai trước. Có một lúc, Gia-cốp thấy mình vật lộn với một người suốt đêm. Sáng thế ký 32 ghi tiếp, “27-28 Khi người đó thấy mình không thắng nổi,. .. bèn nói, Trời đã rạng đông; thôi cho ta đi; nhưng Gia-cốp đáp rằng: Tôi chẳng cho người đi đâu, nếu người không ban phước cho tôi. Người đó hỏi: Tên ngươi là chi? Ðáp rằng: Tôi tên là Gia-cốp. Người lại nói: Tên ngươi sẽ chẳng là Gia-cốp nữa, nhưng tên là Y-sơ-ra-ên, vì ngươi đã có vật lộn cùng Ðức Chúa Trời và người ta, ngươi đều được thắng.” Tên Y-sơ-ra-ên còn tồn tại cho đến hôm nay, mà ta gọi là Do-thái. Hiểu bối cảnh rồi, chúng ta thay câu nói đầu tiên Chúa Giê-xu nói với Na-tha-na-ên là một cách chơi chữ: “Nầy, một người Y-sơ-ra-ên thật, trong người không có điều Gia-cốp (tức Y-sơ-ra-ên) chi hết.”

Nghe Chúa khen mình như thế, Na-tha-na-ên chắc khoái lắm! Nhưng vì hay nghi ngờ, “48. Na-tha-na-ên thưa rằng: Bởi đâu thầy biết tôi?” Thầy nói tôi là người tốt, nhưng sao Thầy biết được?” Ðức Chúa Giê-xu đáp rằng: Trước khi Phi-líp gọi ngươi, ta đã thấy ngươi lúc ở dưới cây vả.” Na-tha-na-ên liền thay đổi thái độ, nói “49. Lạy thầy, thầy là Con Ðức Chúa Trời, thầy là Vua dân Y-sơ-ra-ên!” Thế thì có điều gì đặc biệt trong cây vả mà làm Na-tha-na-ên thay đổi như vậy? Thưa, không ai biết được. Nhưng có một điều chúng ta biết, đó là người Do-thái thường hay ngồi dưới cây vả để cầu nguyện, xưng tội, hay đọc Kinh thánh (Mi-chê 4:4). Có thể có một lúc nào đó trong quá khứ, Na-tha-na-ên đã ngồi dưới một cây vả và khẩn thiết bộc lộ tấm-lòng-không-dối-trá của mình ra với Chúa, và Ngài đã gặp ông dưới cây vả đó mà ông không biết.

Ðã lớn tuổi, chúng ta chắc ai cũng có một kinh-nghiệm-cây-vả nào đó. Chúa có thể đang nói với quý vị, “Ta đã thấy ngươi lúc ngươi đánh trận An-lộc. Trong trận chiến đó, ngươi đã đứng kề cái chết, đã với lên ta và thề nguyện cùng Ta.” Quý vị có thể quên kinh nghiệm gặp Chúa đó, không còn nghĩ đến nó nữa, nhưng Chúa không quên và nói với quý vị, “Ta đã thấy ngươi lúc ở An-Lộc.” Có một số người ngồi đây đã có lần vượt biên. Dưới cây vả của quí vị, là chiếc thuyền mỏng manh trên đại dương mênh mông, quí vị đã thề nguyện với Chúa, “Chúa ơi, nếu Chúa cứu con khỏi đại nạn này, cho con đến bến bờ bình an, con sẽ thờ phượng Chúa.” Qua đây, chúng ta có thể quên, nhưng Chúa không quên và nói với quý vị, “Ta đã thấy ngươi lúc ở trên Biển Thái Bình Dương.” Một lúc nào đó trên trại tị nạn, quý vị khẩn thiết xin Chúa cho mình sớm định cư tại nước thứ ba, hứa sẽ thờ phượng Ngài. Quí vị có thể quên lời cầu nguyện khẩn thiết này, nhưng Chúa không quên. Qua đây, những lúc đi kiếm việc làm, bị bịnh hoạn, mất vợ, mất con, mất nhà mất cửa, quí vị đã cầu nguyện lên Chúa dưới cây vả của quí vị. Quí vị có thể quên, nhưng Chúa không quên.

Sau khi Chúa nhắc đến kinh-nghiệm-cây-vả của Na-tha-na-ên, ông thay đổi thái độ 100%, chuyển hướng từ một người đầy sự nghi ngờ qua một người nói, “49 Lạy thầy, thầy là Con Ðức Chúa Trời, thầy là Vua dân Y-sơ-ra-ên! 50. Ðức Chúa Giê-xu đáp rằng: Vì ta đã phán cùng ngươi rằng ta thấy ngươi dưới cây vả, thì ngươi tin; ngươi sẽ thấy việc lớn hơn điều đó!” Ðể hiểu điều lớn hơn này là gì, trước hết tôi xin kể với quí vị một câu chuyện khác trong đời Gia-cốp được chép trong Sáng Thế Ký 28:10-19: “Gia-cốp từ Bê-e Sê-ba đi đến Cha-ran, tới một chỗ kia, mặt trời đã khuất, thì qua đêm tại đó. Người lấy một hòn đá làm gối đầu, và nằm ngủ tại đó; bèn chiêm bao thấy một cái thang bắc từ dưới đất, đầu đến tận trời, các thiên sứ của Ðức Chúa Trời đi lên xuống trên thang đó. Nầy, Ðức Giê-hô-va ngự trên đầu thang mà phán rằng: Ta là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham, tổ phụ ngươi, cùng là Ðức Chúa Trời của Y-sác. Ta sẽ cho ngươi và dòng dõi ngươi đất mà ngươi đang nằm ngủ đây. Dòng dõi ngươi sẽ đông như cát bụi trên mặt đất, tràn ra đến đông tây nam bắc, và các chi họ thế gian sẽ nhờ ngươi và dòng dõi ngươi mà được phước. Nầy, ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo gìn giữ đó, và đem ngươi về xứ nầy; vì ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi ta làm xong những điều ta đã hứa cùng ngươi.”

Ðây là câu chuyện Gia-cốp nằm mộng thấy một cái thang bắc từ dưới đất lên trời, và thiên sứ của Ðức Chúa Trời đi lên đi xuống thang đó. Giờ đây, chúng ta nghe Chúa Giê-xu nói với Na-tha-na-ên, “50. Vì ta đã phán cùng ngươi rằng ta thấy ngươi dưới cây vả, thì ngươi tin; ngươi sẽ thấy việc lớn hơn điều đó!” Ðiều lớn nhất mà Na-tha-na-ên sẽ thấy trong đời là “51. trời mở ra, và thiên sứ của Ðức Chúa Trời lên xuống trên Con người.” Trong lúc Chúa Giê-xu hành đạo, có nhiều người thấy điều đó. Khi Ngài nhận lễ báp-têm và khi Ngài hóa hình, có tiếng từ trời phán rằng, “Nầy là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng” (Ma-thi-ơ 3:17, 17:5). Nhưng Na-tha-na-ên không có diễm phúc thấy hai cảnh đó, vì ông chưa theo Chúa lúc Ngài chiu phép báp-têm, và chỉ có ba ông Gia-cơ, Giăng, và Phi-e-rơ chứng kiến sự hóa hình của Ngài. Ðối với Na-tha-na-ên, Chúa muốn nói đến ngày Ngài chết trên thập tự giá. Lúc đó chính Ngài là cái thang để nối liền thế gian với thiên đàng, như Ngài đã nói, “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống” (Giăng 14:6). Chúng ta chỉ có thể bước lên thiên đàng bằng cách bước lên cánh tay mang dấu đinh của Ngài trên thập tự giá mà thôi. Chỉ qua bậc-thang-cánh-tay đó chúng ta mới thấy trời đất hòa hợp với nhau. Chỉ qua cái thang đó, chúng ta mới thấy Thượng Ðế là Chúa Giê-xu, đang đứng dưới thang chịu chết cho chúng ta, chúng ta có thể đi lên. Chỉ qua cái thang đó, chúng ta mới thấy Chúa Giê-xu, cũng là Thượng Ðế, đang đứng trên đầu thang để chờ ngày xét xử chúng ta. Nhưng xin chúng ta cũng nhớ rằng, khi Chúa Giê-xu trở lại xét xử trần gian, cái thang đó sẽ không còn nữa. Những ai không chịu bước lên những bậc-thang-Giê-xu hôm nay sẽ không còn dịp để trở về cùng Ðức Chúa Trời nữa.

 

Thưa quí vị, hôm nay chúng ta đã gặp hai người sứ đồ; một người chậm chạp, và một người thông minh, đầy nghi ngờ. Chúa gọi họ cách khác nhau, cũng như Chúa gọi mỗi chúng ta khác nhau. Quý vị có thể là một Phi-líp chậm chạp, nhưng lại có diễm phúc được Chúa đích thân tìm và gọi. Nếu quý vị là một Na-tha-na-ên thông minh, hiểu biết, đầy sự nghi ngờ, tôi xin bắt chước Phi-líp mời quí vị đến Ngài mà xem, đến giở Cựu Ước để thấy những điều viết ra bao nhiêu ngàn năm về trước bây giờ đã được thành tựu trong Chúa Giê-xu. Tôi xin quý vị để ý rằng, bức thang nối liền đất và trời trong Cựu Ước giờ đây đã được thể hiện trong thân xác của Chúa Giê-xu trên thập tự giá. Ngài là phương cách độc nhất để chúng ta có thể lên thiên đàng. Xin quý vị đừng đắn đo, chần chờ, nhưng hãy bước lên thang đó.

 

Mục Sư Ðỗ Lê Minh