Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 4 | Hướng Dẫn

Bài 5

SỨ ÐỒ ANH-RÊ

GIĂNG 1:35-42

 

Kính thưa quý vị, sau khi học hai danh xưng của Chúa là Ngôi-lời và Chiên Con của Ðức Chúa Trời, hôm nay chúng ta sẽ học về một sứ đồ của Chúa mà có lẽ được ít người để ý, tên là Anh-rê. Xin quý vị cho phép tôi đọc lại câu chuyện Anh-rê gặp Chúa như thế nào trong sách Tin-lành Giăng đoạn 1:

 

35. Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;

36. nhìn Ðức Chúa Giê-xu đi ngang qua, bèn nói rằng: Kìa, Chiên con của Ðức Chúa Trời!

37. Hai môn đồ nghe lời đó, bèn đi theo Ðức Chúa Giê-xu.

38. Ðức Chúa Giê-xu vừa xây lại, thấy hai người đi theo mình, thì phán rằng: Các ngươi tìm chi? Thưa rằng: Ra-bi (nghĩa là Thầy), Thầy ở đâu?

39. Ngài phán rằng: Hãy đến xem. Vậy, hai người đi, thấy nơi Ngài ở, và ở lại cùng Ngài trong ngày đó; lúc bấy giờ độ chừng giờ thứ mười.

40. Trong hai người đã nghe điều Giăng nói và đi theo Ðức Chúa Giê-xu đó, một là Anh-rê, em của Si-môn Phi-e-rơ.

41. Trước hết người gặp anh mình là Si-môn, thì nói rằng: Chúng ta đã gặp Ðấng Mê-si (nghĩa là Ðấng Christ).

42. Người bèn dẫn Si-môn đến cùng Ðức Chúa Giê-xu. Ngài vừa ngó thấy Si-môn, liền phán rằng: Ngươi là Si-môn, con của Giô-na; ngươi sẽ được gọi là Sê-pha (nghĩa là Phi-e-rơ).

 

1. Anh-rê tìm Chúa

 

Bắt đầu đoạn này, Giăng nói, “35 Ngày mai, Giăng ở tại đó với hai môn đồ mình.” Giăng giải thích thêm trong câu 40, “một là Anh-rê, em của Si-môn Phi-e-rơ.” Thế còn người thứ hai là ai? Giăng không nói, nhưng chính vì Giăng không nói nên các học giả đồng ý là người đó là Giăng. Ðọc Tin-lành Giăng, quý vị thấy Giăng không bao giờ nói đến tên mình. Khi phải nói về mình, ông dùng những chữ như “người mà Ngài yêu” (Giăng 13:23, 19:26, 20:2, 21:7, 21:20).

Chúng ta gặp Anh-rê khi ông đi theo Giăng Báp-tít. Cám ơn Chúa là Anh-rê đi theo đúng người. Giăng Báp-tít không phải là người tìm kiếm tư lợi cho mình, hay tự tâng bốc mình lên. Nhưng khi thấy Chúa Giê-xu Christ, Giăng Báp-tít nói, “Kìa, Chiên con của Ðức Chúa Trời!” (Hôm trước tôi đã chia xẻ với quý vị về ý nghĩa của danh xưng này.) Sau khi Giăng Báp-tít giới thiệu Chúa Giê-xu như vậy, “37. Hai môn đồ nghe lời đó, bèn đi theo Ðức Chúa Giê-xu.” Xin để ý là Giăng Báp-tít không chạy theo, níu kéo hai người lại. Nếu quý vị là khách đến đây, chúng tôi hy vọng là quý vị đã biết tôi và hội thánh này không ca tụng, tâng bốc một người đương thời nào, nhưng chỉ muốn đưa quý vị đến gần Chúa Giê-xu hơn mà thôi.

Chúng ta tự hỏi có phải đây là một sự tình cờ mà Anh-rê và bạn mình gặp Chúa Giê-xu. Xin để ý đến câu hỏi của Chúa khi Ngài gặp hai ông, “Các ngươi tìm chi?” Chữ “tìm” cho chúng ta biết Anh-rê là người không hoàn toàn thỏa mãn với những điều mình có, nhưng đang khao khát có được một điều nào khác, và vì thế đã đi theo Giăng Báp-tít để học hỏi, để tìm kiếm một điều gì hay hơn, cao hơn, có giá trị hơn. Chúa hỏi câu hỏi trên không phải vì Ngài muốn biết câu trả lời. Chúa đã biết. Nhưng Ngài hỏi để các ông đối diện với linh hồn mình, và thấy rõ ràng các ông đang kháo khát tìm Chúa.

Cũng như Anh-rê, nếu chưa tin Chúa, việc quý vị ngồi ở đây không phải là sự tình cờ. Ðến đây, quý vị đang tìm kiếm một điều gì đó. Sống trên đời này, chúng ta bận rộn ban ngày đi làm, tối về xem ti-vi, rồi đi ngủ, để hôm sau đi làm tiếp. Có bao nhiêu người biết ngưng lại, và tự hỏi: “Mình tìm điều gì trên thế gian này?” Tôi e là không nhiều người làm được điều này. Vì không làm, chúng ta vẫn đi tìm, nhưng lại tìm điều mà chúng ta không thật lòng mong muốn. Chúng ta tìm danh vọng, tiền bạc, xe đẹp, nhà cao.... Nhưng những điều tạm bợ đó không bao giờ thỏa mãn được chúng ta. Kiếm được đồng này, chúng ta muốn có đồng khác.

Ðối diện với Chúa Giê-xu, chúng ta sẽ nghe Ngài hỏi một câu hỏi căn bản nhất: “Các ngươi tìm gì?” Lặng yên nhìn vào tận trong đáy lòng mình, chúng ta sẽ nghe tiếng nhỏ nhẹ đáp lại, “Con tìm Chúa. Linh hồn con khao khát Chúa, như con nai thèm khát dòng nước.” Có người nói “Linh hồn tôi sẽ không bao giờ được sự yên nghỉ, cho đến khi tìm thấy được sự yên nghỉ trong Chúa.” Con tìm Chúa vì đã có lần con mất Chúa. Trước kia tổ phụ chúng con đã biết Chúa, nhưng bây giờ chúng con không còn biết Ngài nữa. Con muốn trở về nguồn.” Lần nữa, chúng ta chỉ có thể trả lời câu Chúa Giê-xu hỏi, “Các ngươi tìm gì?” nếu biết ngưng mọi hoạt động trong đời sống bận rộn, để lắng nghe lòng mình.

 

2. Anh-rê tin Chúa

 

Biết tấm lòng của hai ông, chúng ta không ngạc nhiên khi nghe hai ông trả lời, “Ra-bi (nghĩa là Thầy), Thầy ở đâu?” Có vẻ như câu này không ăn thua gì với câu hỏi của Chúa! Nhưng các ông biết Chúa không cần câu trả lời. Câu hỏi của Ngài là để cho các ông thấy rõ được lòng mình, biết mình đang đi tìm Chúa, và biết Ngài là câu trả lời của sự tìm kiếm của các ông. Vì thế các ông liền buột miệng, “Thầy ở đâu?” Chúa ơi con muốn theo Chúa. Ngài đi đâu, con xin đi theo đó. Cũng vậy, nếu đi tìm Chúa, và gặp Ngài, chúng ta không nói, “Chúa ơi, con đang ở đây. Chúa phải lại đây, và phải ráng thích ứng với nơi con đang ở.” Chúng ta phải nói, “Chúa ơi, Chúa muốn con đi đâu? Chúa ở đâu, con theo Chúa đến đó.”

Chúng ta phải biết là, lúc đó hai ông chưa thật sự tin Chúa. Thấy có một điều gì lạ lùng, huyền bí trong con người Chúa Giê-xu, hai ông muốn tìm hiểu thêm. Hai ông đoán là chỉ có Chúa Giê-xu mới có thể thỏa mãn được những khao khát, mới có thể trả lời được những câu hỏi trong lòng của hai ông. Vì thế, Chúa không trả lời câu hỏi của hai ông, vì đó là chuyện phụ. Nhưng Ngài khuyên, “Hãy đến xem!” Cũng vậy, có thể Ngài đang trả lời với quý vị, “Nếu các ngươi muốn biết ta, hãy đến xem.” Ngài mời gọi quý vị đừng ngồi yên, đừng để những nhu cầu vật chất bên ngoài che lấp những nhu cầu thuộc linh bên trong. Nhưng hãy giở Kinh thánh ra xem, hãy tra cứu lịch sử, để biết thêm về Ngài.

Ðó cũng là lý do Giăng viết sách Tin-lành Giăng này, như chúng ta đã đọc trong 20:31, “Nhưng các việc này đã chép để cho các ngươi tin rằng Ðức Chúa Giê-xu là Ðấng Christ, tức là Con Ðức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống.” Tôi có viết cuốn sách “Cho tôi chia xẻ niềm tin,” để chứng tỏ là tin Chúa không là một mê tín dị đoan, chỉ chạy theo “trái tim mù lòa,” nhưng là một quyết định dựa trên một căn bản luận lý vững vàng, trên những dữ kiện không chối cãi được trong lịch sử mà chúng ta chỉ cần “đến xem.” Trong Giăng 7:17 chúng ta thấy Chúa nói hơi ngược một tí. Ðáng lẽ nói, “Nếu các ngươi biết đạo lý của ta thì sẽ làm theo ý muốn của Ðức Chúa Trời,” Ngài lại nói, “Nếu ai khứng làm ý muốn của Ðức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Ðức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta.” Ở đây, Ngài có ý nói là, khi tìm kiếm Ngài, chúng ta phải có một thái độ đúng, đó là sẵn sàng làm theo ý muốn của Ðức Chúa Trời, tức là sẵn sàng tìm Ngài trong Kinh-thánh và trong lịch sử.

Thi thiên 34:8 viết, “Khá nếm thử xem Ðức Giê-hô-va tốt lành dường bao!” Nhưng nếm thử Ngài không đủ. Chúng ta sẽ không thể nào biết được hạnh phúc, bình an thật khi chỉ chấm một tí, nếm sơ sơ. Chúng ta phải bước một bước nhảy vọt, bằng cách tin nhận Ngài. Nếu chỉ liếm một tí, chúng ta cũng chỉ hưởng một tí xíu điều tốt lành mà Chúa muốn ban cho chúng ta.

Rồi hai người tin chúa. Ðiều này được thể hiện trong sự thay đổi danh xưng. Trong câu 38, Anh-rê gọi Chúa bằng “Ra-bi,” nghĩa là Thầy. Trong câu 41, ông nói Chúa là Ðấng “Mê-si.” Mê-si là theo tiếng Hê-bơ-rơ; tiếng Hy Lạp là Christ, nói đến một Ðấng- Ðược-Xức-Dầu. Trong thời Cựu Ước, khi một nhà tiên tri đi ra hành đạo, Chúa cho người đến xức dầu nhà tiên tri đó; khi một thầy tế lễ được bổ nhiệm, Chúa cho người đến xức dầu thầy tế lễ đó; khi một vị Vua bắt đầu trị vì, Chúa cho người đến xức dầu vua đó. Anh-rê đã tìm được Ðấng Mê-si, Ðấng Christ cho mình, để làm Nhà Tiên-tri, làm Thầy Tế-lễ, làm Vua cho đời mình.

Giăng ghi lại một chi tiết mà có vẻ như không có giá trị đối với chúng ta, “39. lúc bấy giờ độ chừng giờ thứ mười.” Nhưng đối với Giăng chi tiết này mang nhiều ý nghĩa. Ðối với tôi, giây phút tôi tin Chúa có ý nghĩa vô cùng, và tôi luôn nhớ đến “giờ thứ mười” đó trong đời tôi.

 

3. Anh-rê đem người đến Chúa

 

Sau khi tìm được Ðấng Christ cho mình rồi, Anh-rê trước hết làm gì? Có phải ông suy nghỉ, “Bây giờ mình phải đi học trường Kinh Thánh?” Thưa không, cũng như Archimedes la lên “Eureka! Eureka!” sau khi khám phá ra định luật nổi trên nước, “41. Trước hết người gặp anh mình là Si-môn, thì nói rằng: Chúng ta đã gặp Ðấng Mê-si (nghĩa là Ðấng Christ). 42. Người bèn dẫn Si-môn đến cùng Ðức Chúa Giê-xu.” Eureka! Eureka! Em đã khám phá ra được Ðấng Mê-si. Anh hãy đến mà xem. Ðó là phản ứng tự nhiên trước tiên của người tin Chúa. Gặp Chúa, chúng ta không thể nào nín lặng. Chúng ta phải nói với người khác, để họ biết Chúa Giê-xu là Chiên Con của Ðức Chúa Trời, đã chết thế cho họ, và nhờ đó họ được cứu. Là người ăn mày đang chết đói, khi thấy có một kho tàng bánh mì, chúng ta không thể ngồi ăn một mình, nhưng phải chạy tìm những người ăn mày khác, để mời họ đến ăn chung. Ðây là hành động tự nguyện, được làm một cách hăng say, vì lòng yêu thương muốn chia xẻ với người khác điều tốt nhất mình có. Hành động này cũng giống như hành động của các bà nội, bà ngoại khi khoe hình cháu mình.

Anh-rê là một người đặc biệt chuyên làm điều này. Giăng đoạn 6 ghi lại câu chuyện Chúa hóa bánh cho nhiều người ăn. Câu 8-9, “Một môn đồ, là Anh-rê, em của Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: Ðây có một đứa con trai, có năm cái bánh mạch nha và hai con cá, nhưng đông người dường này, thì ngần ấy có thấm vào đâu?” Biết có một em bé có một ít thức ăn, ông đem nó lại với Chúa, và nhờ đó Chúa làm phép lạ để nhiều người có thức ăn.

Giăng cũng ghi lại trong đoạn 12, “20. Vả, trong đám đã lên đặng thờ lạy trong kỳ lễ, có mấy người Gờ-rét đến tìm Phi-líp, là người thành Bết-sai-đa thuộc Ga-li-lê, mà xin rằng: Thưa Chúa, chúng tôi muốn ra mắt Ðúc Chúa Giê-xu. Phi-líp đi nói với Anh-rê, rồi Anh-rê với Phi-líp đến thưa cùng Ðức Chúa Giê-xu.”

“Nghề của chàng” là đem người đến với Chúa Giê-xu, và Chúa chỉ muốn chúng ta làm chừng đó. Xin hãy đem người đến Chúa, đừng chờ mình phải học xong lớp truyền giảng này, hay lớp truyền giảng kia, rồi mới làm. Xin mời bạn bè “đến mà xem.” Hội thánh chúng ta có thể theo gương Anh-rê không?

Sau khi Anh-rê đưa anh mình đến gặp Chúa, “42. Ngài vừa ngó thấy Si-môn, liền phán rằng: Ngươi là Si-môn, con của Giô-na; ngươi sẽ được gọi là Sê-pha (nghĩa là Phi-e-rơ).” Chúa đổi tên của Si-môn thành Phi-e-rơ không phải vì nổi hứng. Kinh Thánh diễn tả ông trong những ngày đầu tiên theo Chúa như một người bộp chộp, nóng nảy, làm trước nghĩ sau, và chối Chúa nữa. Nhưng sau khi Ðức Thánh Linh giáng xuống, ông thay đổi hoàn toàn. Công Vụ đoạn 3 cho chúng ta thấy Phi-e-rơ làm phép lạ chữa lành người què và giảng một bài giảng thật đầy ơn. Sau đó ông trở thành cột trụ của hội thánh. Chúa đã thay đổi ông, như Ngài đã đổi tên ông. Tên Phi-e-rơ có nghĩa là một hòn đá vững vàng, và Chúa biết trong tương lai ông sẽ là một hòn đá vững vàng để xây dựng hội thánh của Ngài trên đó.

Ngược lại, Anh-rê rất tầm thường so với các sứ đồ khác. Không như các ông Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, và Giăng để lại cho hậu thế những cuốn Tin-lành, ông không viết được một cuốn sách như vậy. Có lẽ ông cũng không có tài giảng luận cao xa. Như chúng ta thấy trong Tin-lành Giăng này, khi giới thiệu ông, người ta nói “Anh-rê, em của Si-môn Phi-e-rơ.” Ðiều đáng chú ý nhất của ông là ông có một người anh nổi tiếng! Ông sống dưới bóng của anh mình. Nếu ở trong trường hợp này, quý vị có cảm thấy buồn không? Nhưng nghĩ lại, Phi-e-rơ được thay đổi để thành một người như vậy nhờ ai? Thưa, nhờ Anh-rê đã mời anh mình đến với Chúa. Nếu Anh-rê không mời Phi-e-rơ, không biết hội thánh Chúa hôm nay như thế nào.

Vâng, quý vị và tôi không phải là người xuất chúng, không có tài lãnh đạo hay ăn nói trước công chúng, không biết hát. Nhưng chúng ta vẫn có thể làm như Anh-rê, đem người đến với Chúa. Biết đâu, Ngài sẽ biến nhiều người chúng ta làm chứng cho đó thành những nhà lãnh đạo tương lai của hội thánh?

 

Mục Sư Ðỗ Lê Minh