Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 7 | Hướng Dẫn
GIĂNG 2:12-25
Kính thưa quý vị, tuần trước chúng ta học về phép lạ đầu tiên trong đời hành đạo của Chúa Giê-xu, trong đó Ngài hóa nước thành rượu trong một tiệc cưới. Nhờ đó chúng ta rút tỉa được nhiều bài học về một đời sống “hết rượu.” Bây giờ chúng ta học tiếp Tin-lành Giăng đoạn 2, kể lại câu chuyện Chúa Giê-xu dọn sạch đền thờ, cho chúng ta vài hình ảnh của niềm tin sai trật. Tôi xin đọc Giăng 2:12-17 trước:
12 Sau việc đó, Ngài với mẹ, anh em, và môn đồ Ngài đều xuống thành Ca-bê-na-um; và chỉ ở tại đó ít ngày thôi.
13 Lễ Vượt-qua của dân Giu-đa hầu đến; Ðức Chúa Giê-xu lên thành Giê-ru-sa-lem.
14 Trong đền thờ, Ngài thấy có người buôn bán bò, chiên, bồ câu, và có người đổi bạc dọn hàng ở đó.
15 Ngài bện một cái roi bằng dây, bèn đuổi hết thảy khỏi đền thờ, chiên và bò nữa; vãi tiền người đổi bạc và đổ bàn của họ.
16 Ngài phán cùng kẻ bán bò câu rằng: Hãy cất bỏ đồ đó khỏi đây, đừng làm cho nhà Cha ta thành ra nhà buôn bán.
17 Môn đồ Ngài bèn nhớ lại lời đã chép rằng: Sự sốt sắng về nhà Chúa tiêu nuốt tôi.
1. Ðời sống hay hội thánh thiếu thánh hóa
Tôi xin nhắc lại là, lúc đó mỗi năm có ba lễ lớn ở Giê-ru-sa-lem: lễ Ngũ-tuần, lễ Ðền-tạm và lễ Vượt-qua. Chúng ta đã học lễ Vượt-qua này trước kia rồi, khi nghe Giăng Báp-tít gọi Chúa Giê-xu là Chiên Con của Ðức Chúa Trời. Hôm nay chúng ta thấy Chúa Giê-xu đến thành Giê-ru-sa-lem để dự lễ Vượt-qua. Giăng ghi lại, “14Trong đền thờ, Ngài thấy có người buôn bán bò, chiên, bồ câu, và có người đổi bạc dọn hàng ở đó.”
Theo luật Do-thái, người nào trên 20 tuổi cũng phải đến đền thờ, đặc biệt trong lễ Vượt-qua, để dâng một phần tài sản của mình lên Chúa. Nhưng có một vấn đề như thế này: Nhiều người từ xa đến, đem theo tiền xứ mình, có hình ảnh của những hoàng đế, và vì thế không chấp nhận được trong đền thờ. Vì thế người ta có một dịch vụ đổi tiền ngoại quốc ra tiền Do-thái tại đó. Cũng có một vấn đề khác, đó là Cựu Ước dạy họ phải đem chiên, bồ câu, hay bò để dâng. Vì những người ở xa không thể vác thú vật từ làng mình đến đền thờ, có một dịch vụ khác là bán thú vật ngay tại đền thờ. Ðây là những điều tốt. Nhưng dần dần có vài điều sai trật trong đó. Ðiều sai trật thứ nhất là sự buôn bán cắt cổ trắng trợn. Một con chiên đáng giá một đồng được bán hàng chục đồng tại đền thờ. Ðiều sai trật thứ hai là nạn tham nhũng. Theo Cựu Ước, các thầy tế lễ phải chứng nhận là những con thú vật dâng lên Chúa là không tì vết. Nhưng vì không được lợi gì, các thầy tế lễ không thích chứng nhận những thú vật đem từ nhà đến. Chỉ những con vật được mua trong đền thờ mới được bảo đảm là không bị rắc rối về vấn đề tì vết. Nhưng còn thêm một điều sai trật khác: Lúc đầu, người ta buôn bán ở xa đền thờ. Lần lần các phiên chợ xích dần đến đền thờ. Ðến thời của Chúa Giê-xu, việc buôn bán này xảy ra ngay ở bên ngoài đền thờ, và đó là điều làm Ngài giận quá đỗi. “15Ngài bện một cái roi bằng dây, bèn đuổi hết thảy khỏi đền thờ, chiên và bò nữa; vãi tiền người đổi bạc và đổ bàn của họ.”
Ðó là bối cảnh câu chuyện. Bây giờ xin chúng ta áp dụng nó vào đời sống chúng ta. Trước hết, chúng ta phải biết rằng hôm nay đền thờ ở Giê-ru-sa-lem không còn nữa. Nhưng Kinh-thánh nói một cách rõ ràng rằng giờ đây mỗi chúng ta là đền thờ của Ðức Chúa Trời, như Phao-Lồ nói trong thơ I Cô-rinh-tô 3:16, “Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Ðức Chúa Trời, và Thánh Linh Ðức Chúa Trời ở trong anh em sao?” Khi mới tin Chúa, chúng ta hăng hái lắm, nói “Chúa ơi, con xin dâng hiến đời con để làm đền thờ cho Chúa.” Lúc đầu, chúng ta thấy có những người buôn bán ở xa xa. Nhưng lần lần họ cứ nhích lại gần, để cuối cùng bao quanh chúng ta, và cả chúng ta lẫn họ đều không biết có điều gì sai trật. Tôi muốn nói đến những thói hư tật xấu, những điều không làm đẹp lòng Chúa lần lần trở lại chiếm hữu đời sống chúng ta, làm chúng ta không còn thấy Chúa, nên quên Ngài. Chúng ta phải luôn cảnh tỉnh, và phải mời Chúa trở lại lấy roi đuổi những tội lỗi đó đi.
Hội thánh của Chúa là tập hợp những tín đồ, là đền thờ của Chúa. Buồn thay, nhiều người đến hội thánh chỉ lo nghĩ một điều thôi, đó là để móc nối buôn bán làm ăn. Nhưng dầu không buôn bán trắng trợn, xin chúng ta nhớ rằng lúc đầu những người buôn bán chiên, bò, hoặc đổi tiền chỉ muốn làm điều tốt, muốn giúp người khác. Cũng vậy, chúng ta có thể bắt đầu một chương trình với ý tốt, nhưng nó có thể bị thương mại hóa lúc nào chúng ta không hay.
Cho tôi đơn cử vài ví dụ. Thứ nhất là việc tạo mãi cơ sở hội thánh. Ðây là điều tốt. Nhưng nếu mỗi khi nhóm lại, mở miệng ra chúng ta cứ nói đến tiền, tiền, tiền..., (Làm sao gây quỷ để mua cơ sở? Làm sao có đủ tiền để trả nợ?) hội thánh trở thành một cơ sở thương mại lúc nào không hay. Tôi nhớ có một Chúa nhật nào đó, cũng lâu rồi, vào dịp Tết thì phải, chúng ta có tổ chức ăn uống với nhau. Ðây là điều tốt, nhưng lại trở thành điều xấu khi, đến giờ thờ phượng vẫn có người lăng xăng chạy tới chạy lui lo dọn dẹp thức ăn. Dâng mình hầu việc Chúa là một điều rất tốt. Nhưng khi ra hầu việc Chúa, có người để tham vọng lấn át sự kêu gọi, muốn mình có chức cao hơn, có quyền cao hơn, muốn hội thánh mình lớn hơn, để mình được trọng vọng hơn, và cuối cùng không còn mục đích cao trọng đầu tiên là hầu việc Chúa nữa, nhưng thành người hầu việc cho chính mình. Chúng ta phải thường xuyên nhìn lại những hoạt động lúc đầu xem ra có vẻ như chính đáng của chúng ta, để xem chúng có đưa chúng ta xa khỏi mục đích chính của đời mình, đó là thờ phượng Chúa. Việc thờ phượng Thượng Ðế phải là trên hết, tất cả những việc khác chỉ là phụ thôi. Xin đừng bao giờ biến những điều phụ thành điều chính, và để những điều chính bị quên lãng.
Lúc đó, ngoài dân Do-thái, còn có những “người ngoại.” Ðây là những người bị người Do-thái coi thường. Phao-Lồ nói trong sách Ê-phê-sô 2:12 rằng họ là những người “bị ngoại quyền công dân trong Y-sơ-ra-ên, chẳng dự vào giao ước của lời hứa, ở thế gian không có sự trông cậy và không có Ðức Chúa Trời.” Tôi xin chiếu lên đây mô hình của đền thờ vào thế kỷ thứ nhất, mà bây giờ không còn nữa. Ðây có một cái cửa, và chỉ người đàn ông Do-thái mới được bước vào. Ðàn bà Do-thái chỉ có thể đứng ở bên ngoài cửa mà thôi. Người ngoại phải đứng xa hơn nữa; nếu bước vào bên trong họ sẽ bị ném đá chết. Trong thời Chúa Giê-xu, người ta buôn bán ngay ở chỗ những người ngoại tìm đến để thờ phượng Chúa. Tại đó, tiếng cầu nguyện của họ bị lấn át bởi tiếng bồ câu, bò, heo, tiếng người ta đổi tiền, cãi vã, ngã giá với nhau. Và tôi tin chắc là những người tìm kiếm Chúa như thế sẽ có một hình ảnh rất sai lầm và tiêu cực về đạo Chúa lúc đó, và điều này cũng đang xảy ra trong hội thánh ngày hôm nay. Nếu một người bước vào hội thánh lần đầu tiên và thấy chúng ta cứ nói đến chuyện tiền bạc, họ sẽ có ác cảm và sẽ không bao giờ trở lại. Nếu người ta đến đây mà chỉ thấy chúng ta lo ăn uống, họ sẽ nghĩ hội thánh cũng không khác gì các tổ chức bên ngoài. Và để tránh những ngộ nhận đó, xin mỗi người tín đồ chúng ta phải có sự kỉnh kiềng khi đến đây. Xin chúng ta đến sớm, để lòng lắng xuống, quên những điều ngoài đời, và chuẩn bị sự thờ phượng. Trong giờ thờ phượng, xin đừng nói chuyện. Ra về, xin đừng so sánh, hay phê bình khắc khe mục sư hay người khác.
2. Ðời sống hay hội thánh tìm phép lạ
Giăng kể tiếp trong đoạn 2,
18 Các người Giu-đa cất tiếng thưa cùng Ngài rằng: Thầy làm như vậy thì cho chúng tôi xem thấy phép lạ chi?
19 Ðức Chúa Giê-xu đáp rằng: Hãy phá đền thờ nầy đi, trong ba ngày ta sẽ dựng lại!
20 Người Giu-đa lại nói: Người ta xây đền thờ nầy mất bốn mươi sáu năm, mà thầy thì sẽ dựng lại trong ba ngày!
21 Nhưng Ngài nói về đền thờ của thân thể mình.
22 Vậy, sau khi Ngài được từ kẻ chết sống lại rồi, môn đồ gẫm Ngài có nói lời đó, thì tin Kinh Thánh và lời Ðức Chúa Giê-xu đã phán.
23 Ðang lúc Ngài ở thành Giê-ru-sa-lem để giữ lễ Vượt-qua, có nhiều người thấy phép lạ Ngài làm, thì tin danh Ngài.
24 Nhưng Ðức Chúa Giê-xu chẳng phó thác mình cho họ, vì Ngài nhận biết mọi người,
25 và không cần ai làm chứng về người nào, bởi Ngài tự hiểu thấu mọi điều trong lòng người ta.
Nếu một người thường dân nào đó đến đền thờ, đổ bàn ghế, đuổi những người buôn bán bò, chiên, bồ câu, và đổi bạc ra khỏi đền thờ, chắc người đó sẽ bị đánh đập, bỏ tù, hay ném đá cho đến chết. Nhưng sau khi Chúa làm điều này, không ai tìm cách trừng phạt Ngài, hay công khai phàn nàn về việc Ngài làm. Tại sao vậy? Thưa, một phần là vì Ngài làm đúng. Họ không cải được. Ðây có thể là một điều mà nhiều người đã thấy là sai, nhưng không ai dám nói, hay dám làm gì. Ðây cũng có thể vì người ta đoán rằng Chúa Giê-xu không phải là một người thường, nên có thẩm quyền làm điều này. Họ đoán, ít nhất Ngài cũng phải là một vĩ nhân, một thầy Ra-bi, hay một đấng tiên tri nào đó. Vì thế có người Giu-đa đến hỏi Chúa, “18Thầy làm như vậy thì cho chúng tôi xem thấy phép lạ chi?” Người ta muốn thấy Chúa Giê-xu làm phép lạ, để chứng tỏ Ngài là ai, để biện minh cho hành động của mình. Ðây không chỉ là thái độ của những nhà lãnh đạo Do-thái, Giăng viết trong câu 23, “Ðương lúc Ngài ở thành Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt-qua có nhiều người thấy phép lạ Ngài làm thì tin danh Ngài.” Từ cấp lãnh đạo cho đến thường dân, người ta cứ gào thét, “Làm phép lạ đi, làm phép lạ đi, để tôi thấy và tin.”
Nhưng không phải vì lời yêu cầu của họ mà Chúa Giê-xu làm phép lạ. Ngài không trả lời, “Ðược rồi, ta sẽ chữa lành người này, chữa lành người kia, để các ngươi tin ta.” Ngược lại, Giăng ghi, “24Nhưng Ðức Chúa Giê-xu chẳng phó thác mình cho họ, vì Ngài nhận biết mọi người.” Cho tôi phân tích hai lý do hôm nay.
Thứ nhất, người ta sẽ không bao giờ thỏa mãn với phép lạ. Thấy phép lạ này, họ sẽ đòi thêm phép lạ khác. Thật ra, việc Chúa dọn sạch đền thờ chính nó là một phép lạ, vì đây là điều đã được dự ngôn bao nhiêu năm trước. Ma-la-chi 3:1 viết, “Này, ta sai sứ giả ta, người sẽ dọn đường trước mặt ta; và Chúa mà các ngươi tìm kiếm sẽ thình lình vào trong đền thờ Ngài, tức là thiên sứ của sự giao ước mà các ngươi trông mong.” Giăng cũng ghi trong đoạn 2 này, “17Môn đồ Ngài bèn nhớ lại lời đã chép rằng: Sự sốt sắng về nhà Chúa tiêu nuốt tôi.” Người ta thấy lời dự ngôn trong Thi Thiên 69:9 này đã thành sự thật, nhưng vẫn không thỏa mãn và nói, “Chúa phải cho tôi thấy thêm phép lạ.”
Giăng tiếp tục trong câu 22, “Vậy, sau khi Ngài được từ kẻ chết sống lại rồi, môn đồ gẫm Ngài có nói lời đó, thì tin Kinh Thánh và lời Ðức Chúa Giê-xu đã phán.” Niềm tin làm đẹp lòng Chúa không phải là niềm tin thiếu thánh hóa hay luôn đi tìm phép lạ, nhưng được xây dựng trên sự suy gẫm lời Chúa trong Kinh-thánh để thấy thỏa mãn với những phép lạ ghi trong đó.
Hội thánh ngày hôm nay cũng có rất nhiều người cứ đi tìm phép lạ. Nghe có chỗ nào người ta làm phép lạ, dầu là những phép lạ quá vô lý, mà chúng ta không hiểu tại sao Chúa lại làm, người ta ùn ùn chạy theo tìm. Mỗi lần đến nhà thờ, họ phải thấy ít nhất một phép lạ. Họ gào thét, “Mục sư ơi! Nếu mục sư làm phép lạ, đặt tay chữa lành bệnh cho tôi, hay cho người này người kia, thì tôi mới tin.” Thái độ đó không khác gì thái độ của những người đồng thời với Chúa - Không có gì mới lạ dưới ánh mặt trời hết! Nhưng với thái độ đó, người ta chỉ thấy phép lạ thôi, mà không bao giờ biết thỏa mãn, ngừng lại nói, “Những phép lạ tôi đã chứng kiến đã quá đủ cho tôi biết Chúa rồi.”
Lý do thứ hai Chúa không làm phép lạ là vì người đi tìm phép lạ chỉ nhìn vấn đề theo cái nhìn vật chất, hời hợt bên ngoài. Họ khâm phục những điều con mắt họ thấy, nhưng không thấy những điều sâu đậm ở bên trong. Cũng như khi Chúa nói “19Hãy phá đền thờ nầy đi, trong ba ngày ta sẽ dựng lại!” Vì người Giu-đa chỉ nghĩ đến vật chất thôi, chỉ thấy ngôi nhà bằng gỗ đá thôi, nên trả lời, “20Người ta xây đền thờ nầy mất bốn mươi sáu năm, mà thầy thì sẽ dựng lại trong ba ngày!” Họ không thấy được là Chúa muốn nói đến thân thể của Ngài. Ngày nay, thấy một người đặt tay lên người khác làm người đó ngã xuống, người đi tìm phép lạ thán phục, “Phép lạ, phép lạ!” Nhưng họ không thấy, và không cho là phép lạ, một đời sống được Chúa rửa sạch, thay đổi: Trước kia người đó xấu xa bao nhiêu? Giờ đây tốt lành bao nhiêu? Người ta chỉ thấy phép lạ trong việc Chúa biến nước thành rượu, nhưng không thấy phép lạ trong việc Chúa biến những người say sưa, cờ bạc trước kia thành những người biết kiêng rượu để mua bánh cho con.
Chỉ khi không còn đòi hỏi những phép lạ vật chất để thỏa mãn thị hiếu của mình, chúng ta mới hiểu câu trả lời của Chúa, “19Hãy phá đền thờ nầy đi, trong ba ngày ta sẽ dựng lại!” Giăng giải thích là “21Ngài nói về đền thờ của thân thể mình.” Phép lạ lớn nhất mà Chúa Giê-xu làm, và là phép lạ độc nhất mà Ngài muốn chúng ta xây dựng niềm tin của mình trên đó, là sự chết và sống lại của Ngài: Ba ngày sau khi chết trên thập tự giá, Ngài đã chiến thắng sự chết và không ai tìm được thân xác của Ngài.
Giăng cho biết thêm ở đây, Chúa “21nói về đền thờ của thân thể mình,” và tiên tri “19Hãy phá đền thờ nầy đi, trong ba ngày ta sẽ dựng lại!” Thật ra, đền thờ tại Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ vài chục năm sau đó, khoảng năm 70, nhưng đền-thờ-thân-thể Chúa bị tan vỡ trên thập tự giá chỉ trong vòng ba năm. Có một phép lạ khác đã xảy ra lúc đó, đó là bức màn chia cách nơi Thánh và nơi Chí-thánh ở trong đền-thờ-gỗ-đá tại Giê-ru-sa-lem cũng bị xé toạc làm hai. Ðiều này có nghĩa là bức màn ngăn cách giữa Trời và người ngày nay không còn nữa, và chúng ta có thể bước thẳng vào trước ngôi Ðức Chúa Trời để thưa chuyện cùng Ngài. Niềm tin làm đẹp lòng Chúa không còn đòi hỏi Chúa làm phép lạ này, phép lạ kia, nhưng chấp nhận phép lạ sống lại của Chúa Giê-xu, và dạn dĩ bước qua thân thể tan vỡ của Ngài, để vào nơi Chí-thánh trên trời, và có sự thông công trực tiếp với Ðức Chúa Trời. Chúa Giê-xu là đền thờ và chúng ta đến đó để có sự thông công, thờ phượng, hầu việc Ngài, chứ không phải để Ngài hầu việc chúng ta bằng cách thỏa mãn thị hiếu về phép lạ của chúng ta.
Sau khi Ngài chết trên thập tự giá, Giăng 20:26-29 ghi lại việc Chúa hiện lên với các sứ đồ: “Cách tám ngày, các môn đồ lại nhóm nhau trong nhà, có Thô-ma ở với. Khi cửa đang đóng, Ðức Chúa Giê-xu đến, đứng chính giữa môn đồ mà phán rằng: Bình an cho các ngươi! Ðoạn, Ngài phán cùng Thô-ma rằng: Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay ta; cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn ta, chớ cứng lòng, song hãy tin! Thô-ma thưa rằng: Lạy Chúa tôi và Ðức Chúa Trời tôi! Ðức Chúa Giê-xu phán: Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!” Ðức tin là thấy bên trên những điều giác quan mình thấy. Ðức tin là thấy sự sống lại đời đời đằng sau cái chết. Ðức tin là thấy có có bàn tay Chúa uốn nắn, trau luyện chúng ta khi cho chúng ta gặp những đau khổ trên đời.
Mục Sư Ðỗ Lê Minh