Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 9 | Hướng Dẫn

Bài 10

TĂNG TRƯỞNG TRONG ÂN ĐIỂN

II PHI-E-RƠ 3:18

 

Kính thưa quý vị, chúng ta đã học 9 bài tất cả trong cuốn sách Phi-e-rơ thứ nhì, và đây là bài cuối cùng. Trong sách này, Phi-e-rơ đã dạy dỗ chúng ta rất nhiều điều, và ông kết luận trong câu 3:18 như thế này “Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ.” Sự tấn tới là vấn đề chúng ta cần phải khai triển. Tôi xin dùng chữ “tăng trưởng” hơn là chữ “tấn tới.” Mặc dù hai chữ này đồng nghĩa, chữ “tăng trưởng” có vẻ tượng hình hơn. Chúng ta cần phải hiểu định nghĩa của sự tăng trưởng, dấu hiệu của sự tăng trưởng, cũng như phương cách để tăng trưởng.

I. Định nghĩa của sự tăng trưởng

Trước hết tôi xin thưa quý vị những định nghĩa không đúng của sự tăng trưởng. Trước nhất, chúng ta phải biết là mình không phải là cái máy, và niềm tin của chúng ta có nhiều khía cạnh, và những khía cạnh này liên hệ với nhau một cách cực kỳ phức tạp. Thành ra, chúng ta không thể chỉ nhìn một khía cạnh của niềm tin để xem mình có sự tăng trưởng hay không.

Chắc quý vị biết một nhân vật hài hước rất nổi tiếng trên thế giới, tên là Charlie Brown. Anh chàng được họa sĩ Charles M. Schulz “sáng tạo” đã hơn 50 năm rồi. Dầu vậy, người họa sĩ vẫn không cho anh lớn lên. Khuôn mặt của anh vẫn giống hệt như nửa thế kỷ trước; tánh tình anh bao giờ cũng ngây thơ, dễ tin. Hãy tưởng tượng một ngày nọ Charlie Brown quyết định muốn lớn lên. Đây là hình tôi vẽ anh mặc một bộ đồ vest. Quí vị thấy, mặc dầu anh ăn mặc chững chạc hơn, khuôn mặt anh vẫn còn ý nguyên như vậy, vẫn còn ngây thơ, “búng ra sữa” như người Việt Nam ta thường nói. Chỉ thay đổi cách ăn mặc không làm anh trưởng thành hơn được. Trước kia có một loạt quảng cáo, trong đó người ta chiếu hình các em ngồi trong buổi họp ban quản trị của một công ty lớn. Mặc dầu các em ăn mặc như người lớn, nhìn các em, chúng ta vẫn thấy có cái gì khôi hài, vì các em vẫn là con nít.

Cũng vậy, sự tăng trưởng trong Chúa có nhiều khía cạnh. Và lỗi lầm của chúng ta là nhiều khi mình chỉ nhìn một khía cạnh nào đó mà thôi, để xem mình có tăng trưởng hay không. Tôi xin đơn cử một vài ví dụ ở đây. Thứ nhất, chúng ta thường nghĩ đến việc hoạt động trong hội thánh. Mình nghĩ càng làm việc nhiều trong hội thánh chừng nào, thì càng tăng trưởng trong Chúa chừng đó. Nhưng đây chỉ là một khía cạnh trong đời sống thuộc linh thôi. Có người bỏ rất nhiều thời giờ hầu việc trong hội thánh, nhưng ngay cả chưa được sự cứu rỗi, và như thế, chưa có sự sống, huống chi là có sự tăng trưởng. Và chúng ta cũng thường nghĩ rằng càng hiểu biết kinh thánh chừng nào, thì càng tăng trưởng trong Chúa chừng đó. Nhưng có người có bằng tiến sĩ thần học, nhưng chưa tin Chúa.

Trong toán học có điều kiện ắt có và đủ. Những sinh hoạt trong hội thánh, những sự hiểu biết về kinh thánh là những điều kiện ắt có của người có sự tăng trưởng. Nếu tăng trưởng, tôi ắt phải có những điều kể trên, nhưng chúng không đủ để chúng ta tăng trưởng. Chưa chắc người có những điều này có sự tăng trưởng. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, chúng ta chỉ thấy những điều kiện ắt có, nhưng chúng ta không thể biết hết được mọi khía cạnh, để xem một người có những đủ điều kiện của sự tăng trưởng hay không.

Xin để ý là Phi-e-rơ khuyên, “Hãy tấn tới trong ân điển,” chớ không phải, “Hãy tăng trưởng trong ân tứ.” Có nhiều người lầm lẫn giữa hai điểm này. Ân tứ là những khả năng Chúa cho từng cá nhân. Người này có ơn tứ nói tiên tri, người kia có ân tứ nói tiếng lạ, người nọ có ân tứ chữa bệnh. Mỗi người có một ân tứ khác nhau. Cô-rinh-tô thứ nhất 12:28 viết, “Đức Chúa Trời đã lập trong hội thánh, thứ nhất là sứ đồ, thứ nhì là đấng tiên tri, thứ ba là thầy giáo, kế đến là kẻ làm phép lạ, rồi kẻ được ơn chữa bệnh, cứu giúp, cai quản, nói các thứ tiếng. Có phải cả thảy là sứ đồ sao? Cả thảy là tiên tri sao? Cả thảy làm thầy giáo sao? Cả thảy đều làm phép lạ sao? Cả thảy đều được ơn chữa bệnh sao? Cả thảy đều nói tiếng lạ sao? Cả thảy đều thông giải tiếng lạ sao?” Có nhiều người lầm lẫn, nghĩ mình phải có ân tứ như nói tiếng lạ mới tăng trưởng. Họ nghĩ mình phải làm phép lạ, như đặt tay cầu nguyện chữa bệnh, mới tăng trưởng. Nhưng thưa không, Phi-e-rơ nói đến sự tăng trưởng trong ân điển, chứ không phải trong ân tứ. Nếu nói tiếng lạ là một điều kiện ắt có, tức người tín đồ nào cũng nói tiếng lạ hết, và nếu mình không nói tiếng lạ, thì mình không có sự tăng trưởng. Nhưng những ân tứ như vậy không là những điều kiện ắt có, huống chi là những điều kiện đủ.

Tóm tắt lại, điều sai lầm là nhiều người chúng ta chỉ nhìn đến một khía cạnh nào đó trong đời sống của mình, để xem mình có sự tăng trưởng thuộc linh hay không. Cái nhìn đó là hạn hẹp. Thế thì định nghĩa đúng của sự tăng trưởng thuộc linh là như thế nào?

Phi-e-rơ khuyên chúng ta phải tăng trưởng “trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ.” Muốn xem mình có sự tăng trưởng thực sự trong Chúa hay không, chúng ta không nhìn một khía cạnh nào trong đời sống của mình, nhưng nhìn lên Chúa, để xem ân điển của Chúa có càng ngày càng tràn đầy trong đời sống mình hay không. Chúng ta chỉ có thể sống trong một trong hai môi trường: môi trường luật pháp dành cho những người không biết Chúa, và môi trường ân điển dành cho những người đã biết Ngài. Tăng trưởng trong môi trường ân điển là càng ngày càng biết Chúa nhiều hơn, càng yêu mến Chúa nhiều hơn. Người mới tin Chúa chỉ nhìn từng tội lỗi một của mình, và hỏi, “Tôi đã bỏ thuốc, bỏ rượu. Bây giờ còn tính xấu nào khác tôi cần phải bỏ thêm?” Nếu tôi không thấy mình còn tính xấu nào khác, tức tôi đã “đạt” được rồi, không còn tiến thêm được nữa. Đó chỉ là bước chập chững trong Chúa. Người thật sự có sự tăng trưởng trong ân điển không nhìn từng tội lỗi nhỏ nhặt, nhưng biết nhìn toàn con người tội lỗi của họ. Họ biết tội lỗi là số ít, chứ không phải số nhiều. Càng ý thức được điều đó, họ càng cảm nhận được tình yêu thương, sự tha thứ của Chúa, và sự quý báu của dòng huyết của Ngài trên thập tự giá.

Ân điển nhìn đến nguồn gốc của sự tăng trưởng của chúng ta, và sự “thông biết” nhìn đến Chúa như đối tượng của sự tăng trưởng của chúng ta. Sự tăng trưởng trong ân điển và trong sự thông biết có nghĩa là biết nhìn Chúa Giê-xu là cội rễ và cuối cùng của đức tin. Sự tăng trưởng trong ân điển và trong sự thông biết không đến bởi sự ước muốn thấy một khía cạnh nào đó trong đời sống mình được tốt hơn, nhưng đến bởi sự thu hút từ Chúa.

II. Dấu hiệu của sự tăng trưởng

Mặc dầu không định nghĩa được một cách rõ ràng sự tăng trưởng, chúng ta phải biết mình có sự tăng trưởng hay không. Lần nữa, xin đừng nhìn một khía cạnh trong đời sống của mình, nhưng xin hãy nhìn toàn diện đời sống thuộc linh của mình. So sánh đời sống của mình 5 năm trước, 10 năm trước, 20 năm trước, khi mình mới tin Chúa, với ngày hôm nay, mình có cảm thấy gần Chúa hơn hay không? Đời sống thuộc linh của mình có ngọt ngào, đầm ấm hơn hay không? Mình có nhìn Chúa như một người bạn, một người cha, hay là thấy Chúa sao xa cách quá! Đời sống thuộc linh của mình hôm nay có nguội lạnh như sa mạc mùa đông, hay mình vẫn còn sự đầm ấm, sự nóng sốt của tình yêu ban đầu?

Đặc biệt, xin chúng ta đừng so sánh với người khác, để biết mình có sự tăng trưởng thuộc linh hay không. Rất dễ để chúng ta so sánh với những người không biết Chúa, hay người nguội lạnh trong đời sống thuộc linh, để thấy mình “thiêng liêng” hơn họ, và tự ru ngủ mình. Rồi khi chúng ta so sánh với những người lăng xăng hầu việc Chúa, những người giảng lời Chúa thao thao bất tuyệt, chúng ta cảm thấy tự ti vì nghĩ mình không có sự tăng trưởng thuộc linh như họ. Thật ra, chúng ta chỉ nhìn thấy bề ngoài của họ, nhưng không thể biết được trình độ thuộc linh thật sự của họ. Hơn nữa, chúng ta phải “tấn tới trong ân điển,” giữa mình với Chúa, chớ không phải “trong ân tứ,” để có thể so sánh với người khác.

III. Phương cách tăng trưởng

Bây giờ chúng ta nhìn đến câu hỏi là, “Làm sao chúng ta có thể tăng trưởng?” Tôi xin đưa ra một tiền đề trước khi trả lời hỏi câu hỏi này: Chúng ta không thể tự làm mình tăng trưởng được. Đó là việc làm của Chúa. Hai tuần trước tôi mua 5 cây bông hồng về trồng sau nhà. Lúc tôi mua, nó chỉ có cái thân trơ trọi. Bây giờ, có 3 cây đã nở nụ, còn hai cây kia chưa. Và tôi không thể nào làm hai cây này nở được. Nếu tôi lấy kiềm kéo nó dài thêm, nó sẽ chết sớm thôi. Có ai muốn con mau lớn, mà đem kéo cho nó dài ra, thì chắc nó thành điên luôn! Cũng vậy, mình không thể ép đời sống thuộc linh của mình sớm tăng trưởng được.

Thế thì tại sao Phi-e-rơ bảo mình phải tăng trưởng? Mình có thể làm được gì? Mặc dầu không làm cây nở hoa được, tôi có thể cho nó một điều kiện, một môi trường thích hợp để nó tăng trưởng. Tôi có thể tưới cây, bón phân. Trong đời sống thuộc linh cũng vậy. Tôi có thể làm được một vài điều, để tạo điều kiện thuận tiện cho sự tăng trưởng. Làm thế nào để chúng ta tạo điều kiện thuận lợi để một em bé có thể tăng trưởng? Thứ nhất chúng ta phải cho nó ăn. Hành động cho con ăn không làm nó lớn; Chúa làm nó lớn. Nhưng càng ăn chất bổ dưỡng chừng nào, con càng mau lớn chừng đó. Cũng vậy, trong đời sống tin kính, chúng ta phải có thức ăn, đó là lời Chúa. Nếu đọc và suy gẫm lời Chúa mỗi ngày, chúng ta sẽ tăng trưởng. Ngược lại, nếu lơ là, không đọc lời Chúa, đời sống thuộc linh của chúng ta sẽ đi xuống.

Không phải chỉ có lời của Chúa không, có nhiều điều khác cũng giúp đời sống thuộc linh của chúng ta tăng trưởng. Chúng ta cũng phải đọc sách vở khác, như những sách diễn dịch kinh thánh, sách nói về những anh hùng đức tin... Chúng ta cũng phải hầu việc Chúa, cùng nhau đi ra làm chứng với người ngoài. Lát nữa đây, chúng ta sẽ dự tiệc thánh. Chúa tạo dựng tiệc thánh không phải như một nghi lễ để chúng ta làm lấy lệ, nhưng để bổ dưỡng linh hồn chúng ta.

Bí quyết thứ nhất là tạo điều kiện thích hợp cho sự tăng trưởng. Bí quyết thứ hai là tẩy rửa tất cả những gì cản trở sự tăng trưởng. Nếu muốn con cái khỏe mạnh, chúng ta không để nó đi vô những nơi đầy vi trùng, vi khuẩn. Cũng vậy, nếu muốn đời sống thuộc linh được tăng trưởng, chúng ta phải tránh những nơi có thể làm hại nó. Nếu bỏ nhiều thì giờ tìm kiếm vật chất, hay những ham mê của đời, chúng ta sẽ không còn tâm trí, thì giờ để theo Chúa. Chúng ta không thể làm tôi hai chủ, vì đời sống thuộc linh của chúng ta sẽ bị mai một, nghẹt ngòi. Những lời nói bóng gió chống Đức Chúa Trời trên ti-vi lần lần sẽ ăn sâu vào đầu óc chúng ta, và làm nghẹt ngòi sự tăng trưởng thuộc linh của chúng ta.

Bí quyết thứ ba là chúng ta phải làm việc, hoạt động. Ngày xưa, mấy ông vua Việt Nam thường bị bệnh. Vua Lê Long Đĩnh được gọi là “Lê Ngọa Triều” vì ông trác tráng, chỉ biết ăn chơi, mà không biết hoạt động. Dù ông ăn nhiều chất bổ dưỡng, nhưng nếu không hoạt động thì thân thể của ông cũng sẽ bại hoại. Cũng vậy, nếu chúng ta đọc lời Chúa mỗi ngày, nhưng nếu không tiêu hóa, để lời Chúa làm việc trong đời sống chúng ta, thể hiện qua hành động chúng ta, thì cuối cùng chúng ta cũng sẽ bị bệnh.

Sức khỏe đòi hỏi chúng ta phải có một mỗi trường thích hợp, có đầy đủ thức ăn, có hoạt động một cách đều đặn. Sự đều đặn là bí quyết thứ tư. Nếu có ngày chúng ta ăn một bữa, có ngày ăn năm bữa, rồi có ngày không ăn gì hết, thì không được. Cũng vậy, nếu muốn có sự tăng trưởng thuộc linh, chúng ta phải có sự đều đặn. Chúng ta không thể chỉ đợi đến ngày Chúa nhật để nghe lời Chúa, ăn một bữa no nê, rồi cả tuần không ăn.

Như tôi nói khi nãy, mình không định nghĩa được sự tăng trưởng, nhưng mình phải biết mình có sự tăng trưởng hay không. Nhìn lại quá khứ, mình phải thấy mình có sự tăng trưởng. Và sự tăng trưởng phải đến từ từ. Con mình sống chung với mình, nên mình không để ý. Nhưng khi mình giới thiệu con với bạn bè, họ thường nói, “Sao con anh mau lớn quá vậy? Mới đây nó con nhỏ, mà bây giờ nó cao quá!” Cũng vậy, xin đừng đòi hỏi mình phải có một bước nhảy vọt trong đời sống thuộc linh. Không, chúng ta cần phải có sự kiên trì, dai dẳng. Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, chúng ta liên tục tạo cơ hội cho nó lớn lên. Nhưng khi nhìn lại, so sánh với một năm trước, 5 năm trước, 10 năm trước, chúng ta phải thấy mình tăng trưởng, và đó là điều Phi-e-rơ muốn.

Phi-e-rơ kết luận lá thư của mình bằng cách trở lại ý ban đầu. Trong câu thứ hai của đoạn 1, Phi-e-rơ viết “Nguyện xin ân điển và sự bình an được gia thêm cho anh em bởi sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu, là Chúa chúng ta.” Chỉ khi có sự tăng trưởng thuộc linh, chúng ta mới thấy sự bình an được gia tăng. Xin chúng ta khuyến khích lẫn nhau, và tạo cơ hội cho nhau, để mỗi người có thể tăng trưởng trong ân điển, và trong sự thông biết Chúa Giê-xu Christ là Cứu Chúa chúng ta.

Mục Sư Đỗ Lê Minh
Bài11