Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 10 | Hướng Dẫn

Bài 11

CON CÁI NHƯ MŨI TÊN

THI THIÊN 127

(BÀI GIẢNG NHÂN NGÀY TỪ PHỤ 2004)

 

Kính thưa quý vị, hôm nay là lễ các người cha, và tôi phải chia xẻ với quý vị một đoạn Kinh Thánh nào đặc biệt dành cho người cha. Vâng, tôi tìm được một đoạn Kinh Thánh, và thấy nó rất thích hợp cho người cha. Nhưng càng nghiên cứu nó chừng nào, tôi càng thấy là không những nó chỉ áp dụng cho người cha, nhưng cũng cho người mẹ nữa. Hôm nay vai trò của người cha và người mẹ không còn như xưa. Ngày xưa, người cha đi làm ngoài đời, và người mẹ ở nhà lo cho con cái. Nhưng trong xã hội ngày hôm nay, cả cha lẫn mẹ đều phải đi làm hết. Thành ra đoạn Kinh Thánh mà tôi chia xẻ với quý vị ngày hôm nay áp dụng cho cả người cha lẫn người mẹ.

Tôi xin bàn về Thi Thiên 127. Thi Thiên này chia làm hai phần: phần đầu nói về việc làm, và phần sau nói về gia đình.

1. Nếu Đức Giê-hô-va không cất nhà, thì những thợ xây cất làm uổng công. Nhược bằng Đức Giê-hô-va không coi giữ thành, thì người canh thức canh luống công.

2. Uổng công thay cho các ngươi thức dậy sớm, đi ngủ trễ, và ăn bánh lao khổ; Chúa cũng ban giấc ngủ cho kẻ Ngài yêu mến bằng vậy.

3. Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng.

4. Con trai sanh trong buổi đang thì, khác nào mũi tên nơi tay dõng sĩ.

5. Phước cho người nào vắt nó đầy gùi mình! Người sẽ không hổ thẹn, khi nói năng với kẻ thù nghịch mình tại cửa thành.

A. Việc làm

Phần thứ nhất của Thi Thiên 127 liên quan đến việc làm của chúng ta. Làm việc không phải là điều xấu xa, nhưng là điều cần thiết. Trừ những trường hợp đặc biệt, mỗi chúng ta phải có trách nhiệm đóng góp vào xã hội này. Chúa làm việc. Câu đầu tiên trong Kinh Thánh không là “Ban đầu Chúa ngồi trên ngôi cao sang,” nhưng là “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.” Ngay cả trước khi phạm tội, A-đam cũng đã làm việc. Trong sách Cô-lô-se, Phao-lồ dạy rằng, làm bất cứ điều gì, chúng ta phải làm cho hết mình, như thể mình làm cho Chúa. Việc làm là ơn phước Chúa cho chúng ta.

I. Việc làm uổng công

Điều sai lầm, mà nhiều người Việt Nam chúng ta gặp, không phải là lười biếng, nhưng làm việc quá đáng, đầu tắt mặt tối. Mới 4, 5 giờ sáng đã đi làm; đến 9, 10 giờ tối mới về nhà, chỉ để lăn đùng ra ngủ. Sáng hôm sau lại đi làm, và cứ như thế ngày này qua ngày kia. Đó là điều mà tôi muốn nói ở đây.

Đối với những người thức đêm dậy sớm như vậy, Thi Thiên 127 nhận xét, “2. Uổng công thay cho các ngươi thức dậy sớm, đi ngủ trễ, và ăn bánh lao khổ.” Quý vị nghe, nhiều khi nghĩ, “Nói quá đáng.” Thế nào gọi là uổng công? Tôi đi làm 8 tiếng, ăn tiền hàng giờ. Tôi làm thêm 8 tiếng nữa, người ta trả tôi gấp đôi. Như vậy là tôi kiếm được nhiều tiền, tại sao Kinh Thánh nói là uổng công? Thưa, đây không phải là điều thiêng liêng đâu, nhưng là thực tế. Trong kinh tế học người ta có một luật gọi là Diminishing Returns. Nếu bỏ 8 tiếng một ngày, mình kiếm được 5 đồng, thì bỏ thêm 8 tiếng sau, mình không còn có hiệu quả như vậy nữa, và có thể chỉ kiếm thêm 2 đồng thôi. Bỏ thêm 8 tiếng nữa, tức là làm việc 24 tiếng một ngày, thì chỉ chừng vài ngày là mình chết thôi, không kiếm được thêm đồng nào hết! Nếu tôi kiếm 100 đồng đầu tiên, thì quả thật 100 đồng thứ hai có giá trị, giúp tôi mua thêm thức ăn để sống hằng ngày. Nhưng nếu trong một tháng tôi kiếm được 10.000 đồng rồi, thì 10.000 đồng thứ hai không có giá trị nữa, chỉ bỏ trong nhà băng thôi. Nếu sổ nhà băng của tôi đã có 10 triệu đồng rồi, thì với 10 triệu thứ hai, đời sống của tôi cũng vẫn giống như vậy.

Kinh Thánh và thực tế cho chúng ta biết là làm việc đầu tắt mặt tối như vậy chỉ là uổng công. Thứ nhất, uổng công ở điểm là nó không đem lại cho chúng ta nhiều như chúng ta mong muốn. Nhưng nó cũng uổng công ở điểm là, có nhiều người, sau khi thành công rồi, nhìn lại, thấy mình không có sự thỏa mãn. Lúc làm việc hùng hục, mình không để ý, nhưng đến chừng đạt được đỉnh danh vọng rồi, thì mình giật mình, thấy mình đã leo lên nấc thang sai. Nhìn lại gia đình, con cái bây giờ lớn rồi, và không biết mình là ai; vợ sắp nộp đơn ly dị, vì bao nhiêu năm nay mình bỏ bê vợ con. Mỗi người chúng ta chỉ có 24 tiếng đồng hồ một ngày thôi, nếu chúng ta bỏ phần lớn thì giờ vào trong công việc, thì dĩ nhiên là chúng ta không có thì giờ cho gia đình, cho Thượng Đế.

Chỉ biết làm việc thôi là uổng công, là phí phạm cuộc đời mình vào điều không có giá trị vĩnh viễn. Chúng ta đọc lại đây, “Nếu Đức Giê-hô-va không cất nhà, thì những thợ xây cất làm uổng công.” Vâng, chúng ta phải làm việc, nhưng điều quan trọng là chúng ta để Chúa làm việc chung với mình nữa. Chúng ta đóng góp vào xã hội này chung với Thượng Đế chứ không phải một mình.

Nhưng thế nào gọi là làm việc chung với Chúa? Ít nhất, nếu quý vị làm một việc gì mà biết là không làm đẹp lòng Chúa (chẳng hạn như mở một quán rượu), dẹp nó đi. Và đây là điều rất quan trọng: Nếu muốn dẹp những điều mà mình không dẹp được, trước hết quý vị phải biết đặt niền tin vào Chúa Cứu Thế Giê-xu. (Không những Chúa Giê-xu sẽ cho mình sự can đảm đó, quý vị sẽ có một cuộc sống đời đời, một sự bình an mà không ai biết được.) Phải đặt niềm tin vào Chúa rồi, chúng ta mới biết lời Chúa là điều rất quan trọng. Mỗi ngày người con cái Chúa phải có một dịp nào đó mở Kinh Thánh ra đọc và suy ngẫm. Và nếu làm điều này ngày này qua ngày kia, quý vị sẽ thấy lời Kinh Thánh thấm nhuần vào trong tâm hồn quý vị, và nó sẽ thay đổi cái nhìn của quý vị. Lúc đó chúng ta biết là đời này không chỉ có vật chất mà thôi, nhưng có cái gì cao hơn nữa, đó là Thượng Đế. Lúc đó chúng ta mới biết dành thời giờ cho gia đình và Thượng Đế.

II. Việc làm xứng đáng

Tiếp tục, “Chúa cũng ban giấc ngủ cho kẻ Ngài yêu mến bằng vậy.” Khi chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời, Ngài sẽ ban cho chúng ta một giấc ngủ bình an. Vâng, Chúa muốn chúng ta nghỉ ngơi sau ngày làm việc. Oái oăm thay, không những chỉ sáng dậy sớm đi làm, tối khuya mới về nhà ngủ, nhưng đôi khi ban đêm chúng ta nằm trằn trọc, nếu không lo lắng về công việc của mình hôm nay, thì lo lắng ngày mai không biết mình ra sao. Thành ra giấc ngủ không được bình an. Người biết Chúa Giê-xu biết giao phó đời sống của mình trong bàn tay Chúa, vì thế có một giấc ngủ bình an.

Thật ra câu này có thể dịch từ tiếng Hê-bơ-rơ thành hai nghĩa khác nhau. Một là “Chúa ban giấc ngủ” như ở đây, nhưng cũng có thể dịch là “Trong khi chúng ta ngủ, Chúa cũng cung cấp.” (Bản NASB dịch, “For He gives to His beloved even in his sleep.”)

Chúng ta phải biết là đời sống của chúng ta có những khía cạnh quan trọng hơn tiền bạc hay việc làm của mình, và chúng ta phải để ý đến chúng. Chúng ta phải để dành thì giờ cho Chúa, cho gia đình. Nếu chúng ta làm điều đó, thì đời sống của chúng ta sẽ trọn vẹn hơn, và chúng ta sẽ có được sự bình an, có được giấc ngủ an lành.

B. Gia đình

I. Con cái là cơ nghiệp

Nói đến việc làm rồi, tôi muốn nói tới một khía cạnh quan trọng hơn, vì hôm nay là ngày lễ các người cha. Sau khi hàm ý là chúng ta phải để dành thì giờ cho những khía cạnh khác trong đời sống, Thi Thiên 127 này nói đến một khía cạnh rất quan trọng đó. Tác giả Thi Thiên 127, tức vua Sa-lô-môn, nói trong câu thứ 3, “Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng.” Chữ cơ nghiệp hàm ý một điều rất quý giá. Nhiều người nói con của mình là một “của nợ;” hay tệ hơn nữa, một “tai nạn.” Thưa quý vị, không có một người con nào là một tai nạn hết. Nó có thể là một tai nạn đối với quý vị, nhưng không một linh hồn nào là tai nạn đối với Thượng Đế. Con cái là điều rất quý báu, là một vinh dự lớn mà Chúa đã ban cho quý vị.

Tôi cảm thấy là thế hệ xưa ở Việt Nam có một cái lỗi rất lớn, đó là các ông bà coi con cái như vật sở hữu của mình. Tôi biết có người cha đánh con một cách tàn nhẫn, đến nỗi nó bị tàn tật. “Con tôi, tôi có quyền muốn làm gì thì làm.” Thưa không, mình không có quyền đó. Con cái là cái cơ nghiệp, có nghĩa là con cái không phải là vật sở hữu của mình. Chúa giao cho mình cơ nghiệp để mình chăm sóc, nuôi nấng, gây dựng, để rồi trao lại cho thế hệ sau.

II. Con cái là mũi tên

Có một ví von rất hay ở đây, mà tôi muốn chia xẻ với quý vị nhiều hơn. Câu 4, “Con trai sanh trong buổi đang thì khác nào mũi tên nơi tay dõng sĩ.” Quý vị nghĩ gì khi nghe ví von này? Có người nói, “Đúng rồi, nó là mũi tên làm tim tôi chảy máu mỗi ngày.” Nhưng ở đây nói con cái là mũi tên trong tay người dũng sĩ, và người dũng sĩ đó là cha mẹ. Chúng ta có mũi tên đó để bắn ra, chứ không phải con cái là mũi tên để bắn chúng ta.

Có bốn điều tôi muốn nói ở đây về con-cái-mũi-tên.

Thứ nhất, mũi tên phải có đích. Là cha mẹ, mình phải kiếm một cái đích cho con mình để nó đạt đến. Có nhiều người có một cái đích rất tầm thường, hạn hẹp, và tiêu cực cho con, chẳng hạn chỉ mong con mình không theo băng đảng, không sì ke thuốc lá. Có người có một cái đích cao hơn, mong nó thành bác sĩ, luật sư, ông nọ bà kia... Nhưng nếu chúng ta có cái đích như vậy, con cái không còn là mũi tên, nhưng đôi khi chỉ là đôi đũa thôi. Chúng ta dùng con giống như dùng đôi đũa, để kéo dài tay mình thêm một tí, để mình gắp những điều mà trước kia mình không gắp được. Hồi nhỏ mình mong làm bác sĩ, nhưng hoàn cảnh không cho phép mình đưa tay với chức bác sĩ được, bây giờ mình dùng con để đạt đến đích đó. Nếu mình không mong là khi mình về già nó trở lại giúp mình về vấn đề vật chất, thì mình mong nó nuôi mình về vấn đề tâm lý, để có thể khoe với người khác là con tôi là bác sĩ, là người này người kia. Nhưng khi nói con là mũi tên, Kinh Thánh nói đến cái đích xa hơn, cao thượng hơn những điều vật chất như là bác sĩ, hay ngay cả tổng thống nước Mỹ. Và điều cao trọng hơn tất cả những chức tước trên thế gian này phải là điều liên hệ đến Đức Chúa Trời.

Điều thứ hai chúng ta cần phải làm đối với người-con-mũi-tên là trau chuốt, rèn luyện nó. Con người sinh ra là một mũi tên cong queo, đầy tội lỗi. Nếu chỉ muốn con đạt được những điều vật chất trên thế gian này, chúng ta không cần phải làm gì về vấn đề đạo đức của con. Nếu quý vị muốn con mình thành bác sĩ, thì cái mũi tên cong queo như vậy vẫn có thể dùng để khèo chức bác sĩ được. Thiệt ra có thể nhờ nó cong quẹo, lươn lẹo như vậy, mà nó kiếm được giàu sang chức tước sớm hơn người khác.

Nhưng nếu quý vị muốn con mình thành mũi tên đúng nghĩa là mũi tên, chứ không phải là mũi tên cong queo, thì câu hỏi đặt ra là khi nào mình phải sửa cái mũi tên đó cho nó thẳng. Khi nào chúng ta bắt đầu huấn luyện con? Có phải đợi đến khi mình bắn mũi tên đó ra rồi, mình mới chạy theo sửa hay không? Thưa không, mình bắt đầu huấn luyện, dạy dỗ con ngay lúc nó còn nhỏ. “Dạy con từ thuở con thơ....” Nếu mình không quen thuộc với ví von con cái như mũi tên, thì mình phải biết thời gian là tên bay. Và nếu không có thì giờ dạy dỗ con cái khi chúng còn nhỏ, chúng biến mất khỏi đời sống của mình hồi nào mà mình không hay. Mới đó, nó còn 10 tuổi, 12 tuổi; vèo một cái, nó bỏ nhà đi!

Ai dạy dỗ con mình? Trường học chỉ dạy dỗ con quý vị về kiến thức thôi, chứ không dạy dỗ về đạo đức. Và tôi chỉ nói đến đạo đức thôi, chứ không nói đến chuyện thiêng liêng hơn, tức là Đức Chúa Trời. Cũng xin quý vị đừng chờ hội thánh dạy dỗ con quý vị. Chúng nó chỉ đến đây một tiếng một tuần. Trách nhiệm dạy dỗ con cái thuộc vào chính cha mẹ, và không ai khác.

Như hồi nãy tôi nói, con mình sinh ra cong queo. Dạy dỗ nó, mình muốn nó thành cứng và thẳng để có thể đạt được mục đích của nó. Muốn thế, trước hết nó phải có Thượng Đế. Nếu con cái quý vị biết Chúa, công nhận Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế rồi, thì quý vị không còn lo sợ gì; nhưng nếu con quý vị chưa có đức tin, thì dầu nó học giỏi bao nhiêu, quý vị cũng vẫn luôn luôn lo sợ.

Làm sao chúng ta huấn luyện người con thành cứng và thẳng? Có hai yếu tố rất quan trọng ở đây. Thứ nhất là thời gian. Mình chỉ có chừng đó thời giờ, và nếu mình bỏ hết vào công ăn việc làm, thì không có thì giờ cho con. Bỏ thì giờ để huấn luyện con trở thành người ngay thẳng, đẹp lòng Đức Chúa Trời là điều quan trọng hơn việc làm. Có một người khá thành công đi đâu cũng nói đến một kinh nghiệm làm thay đổi đời sống của ông ta. Đó là một ngày nọ, ba ông dắt ông đi câu cá, và hai cha con tâm sự với nhau, cha ông dạy cho ông nhiều điều làm thay đổi đời sống của ông. Sau khi người cha chết, ông ta về nhà mở nhật ký của người cha ra coi. Trong ngày đi câu cá đó, người cha viết một câu, “Hôm nay đi câu cá với thằng con, phí thời giờ!” Có thể đối với mình, bỏ thì giờ cho con là phí phạm, nhưng đó là yếu tố rất cần thiết để nó thành người ngay thẳng.

Yếu tố thứ hai là mình phải làm gương cho con. Con cái rất tinh khôn; chúng nhận xét từng hành động của mình. Ra đời, mình mang một bộ mặt hiền hòa, đứng đắn, đạo đức; khi về nhà, mình lột bộ mặt đó, và trở thành người hung bạo, chửi bới. Thưa quý vị, con quý vị sẽ không hơn quý vị khi quý vị ở nhà. Nếu mình còn nói láo thì nó sẽ nói láo. Nếu quý vị không tin Chúa, xin đừng nghĩ là chỉ cần cho con tới nhà thờ là nó tin Chúa. Nếu con quý vị không thấy Chúa ở trong người cha, thì rất có thể nó sẽ không thấy người Cha trong Chúa. Quý vị phải đặt niềm tin vào Chúa trước.

Điều thứ nhất tôi nói về con-cái-mũi-tên là nó phải có đích của Đức Chúa Trời; thứ hai là chúng ta phải trau chuốt, rèn luyện nó, để nó trở thành một mũi tên cứng và thẳng. Bây giờ tôi muốn nói là, có một lúc nào đó, mũi tên đó phải được bắn ra, phải lìa chúng ta. Mũi tên không được làm nên để chúng ta giữ bo bo. Con cái chỉ là cơ nghiệp để chúng ta chăm sóc, nhưng ngày nào đó nó phải vượt ra khỏi vòng tay của mình, trở thành người cha người mẹ, để chuyển cơ nghiệp xuống thế hệ sau.

Đưa con ra khỏi nhà là điều khó, nhưng Thượng Đế không để quý vị ngạc nhiên về điều này. Ngày mẹ mang con trong bầu, cả hai là một, dòng máu của mẹ là dòng máu của con, hơi thở của mẹ là hơi thở của con. Nhưng khi người con ra khỏi bụng mẹ rồi, khi dây rốn bị cắt rồi, là bắt đầu có sự chia cách, và người con lúc đó là một đơn vị, là một con người, chứ không còn là một phần của mình nữa. Đến một ngày nào đó, mình dắt nó tới trường học. Để nó lại trong trường, mình ngoảnh lại nói, “Bye bye con,” mình biết con mình bắt đầu có một đời sống mới. Quý vị nhớ khi mình tập xe đạp cho con không? Mình chạy theo nó, nhưng có một lúc nào đó, mình phải bỏ tay mình ra, để con tiếp tục đạp một mình. Mình không thể nào cứ chạy theo, níu cái yên xe hoài, và nếu mình làm điều đó thì con sẽ không trưởng thành được. Rồi đến khi con khôn lớn, nó trở thành một phần tử riêng, có đầy đủ trách nhiệm trong xã hội, biết lo lắng công việc của mình, biết trả tiền, biết để dành tiền, biết mua nhà,... và mình phải chấp nhận chuyện đó. Con mình cũng phải chịu trách nhiệm về niềm tin của nó trước mặt Thượng Đế nữa.

Một ngày nào đó, con mình lập gia đình, và đây là lúc mình phải dứt khoát, cắt đứt sợi dây níu người con đó lại. Có rất nhiều gia đình gặp khó khăn, vì cha mẹ hai bên xen vào đời sống riêng tư của người con. Xin đừng để một người con gái nào của mình phải hát bài hát như thế này:

“Ơn hoài thai, to như bể!

Công dưỡng dục, lớn tợ sông!

Em nguyện ở vậy không chồng,

Lo nuôi cha mẹ hết lòng làm con.”

hay buồn bã nói với chàng trai:

“Ai bưng bầu rượu đến đó

Phải chịu khó bưng về

Em đang ở hầu thầy mẹ cho trọn bề hiếu trung.”

Điều thứ tư là một điều rất quan trọng mà những người tin Chúa phải để ý: Mũi tên không thể nào đạt được đích nếu nó thiếu cái cung. Nếu tôi cầm cái tên này quăng đến cái đích ở xa kia, thì quý vị cười tôi. Nhưng quý vị sẽ không cười, nếu tôi có một cây cung. Mũi tên mà thiếu cái cung thì vô ích. Cung ở đây tượng trưng cho Đức Thánh Linh.

Khi con mình còn nhỏ, mỗi khi quý vị đến cầu nguyện với Thượng Đế, nhớ đặt con lên bàn tay của Đức Thánh Linh. Điều này giống như quý vị đặt mũi tên trên cái cung và với mỗi lời cầu nguyện, quý vị kéo dây cung căng thêm một tí. Rồi ngày nào đó, khi con mình sẵn sàng ra đi, nó có cả một sức lực của Đức Thánh Linh. Nó sẽ đạt được những thành quả vượt bên ngoài những điều mà quý vị mong muốn, vì có sức Đức Thánh Linh đẩy nó đi.

Tôi xin nói lại, thông thường, con của quý vị sẽ không hơn quý vị về vấn đề đạo đức, ngay cả thuộc linh. Quý vị phải đặt niềm tin vào Chúa trước, rồi quý vị sẽ thấy đời mình thay đổi, không còn làm việc hùng hục luống công. Đời mình bây giờ có giấc ngủ bình an, có ý nghĩa cao sang. Không những như vậy, con cái quý vị cũng sẽ thay đổi, sẽ bắt đầu thấm được sức mạnh của niềm tin. Và khi quý vị đặt nó lên cái vòng cung của Đức Thánh Linh mỗi ngày để cầu nguyện, một ngày nào đó quý vị sẽ hãnh diện khi nhìn người con ra đi.

Vâng, nhìn người con ra đi, chúng ta buồn vì nó thoát khỏi vòng tay của mình, không còn ở dưới quyền điều khiển của mình nữa. Nhưng nếu chúng ta nuôi nấng con cái một cách đúng đắn, để nó trở thành mũi tên thẳng, ngày người con ra đi là một niềm hãnh diện, một sự vui mừng lớn, vì đời sống mình đã được Chúa dùng để cứu người con của mình, và vì Chúa sẽ dùng con mình cho Ngài trong tương lai.

Mục sư Đỗ Lê Minh