Trang Đầu | Mục Lục | Bài 2 >> | Hướng Dẫn

Bài 1

HỘI THÁNH CÔ-RINH-TÔ

I CÔ-RINH-TÔ 1:1-9

 

Kính thưa quý vị, trong gần một năm vừa qua chúng ta đã học cuốn sách Tin Lành Giăng. Chúng ta đã đi theo Chúa Giê-xu từ lúc Ngài bắt đầu hành đạo cho đến khi Ngài chịu chết trên thập tự giá. Bây giờ tôi muốn chia xẻ với quý vị một cuốn sách khác ở trong Tân Ước. Cuốn sách này có những bài học rất cụ thể cho chúng ta. Đó là cuốn sách Cô-rinh-tô thứ nhất.

Cho tôi đọc chương thứ nhất từ câu 1 tới câu 9:

 

1. Phao-lồ, theo ý Đức Chúa Trời, được gọi làm sứ đồ của Đức Chúa Giê-xu Christ, cùng Sốt-then, anh em chúng tôi,

2. gởi cho hội thánh Đức Chúa Trời tại thành Cô-rinh-tô, tức là cho những người đã được nên thánh trong Đức Chúa Giê-xu Christ, được gọi làm thánh đồ, lại cho mọi người bất luận nơi nào, cầu khẩn danh Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, là Chúa của những người ấy và của chúng ta:

3. nguyền xin anh em được ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và bởi Đức Chúa Giê-xu Christ!

4. Tôi hằng vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời, bởi cớ anh em đã được Đức Chúa Trời ban ơn trong Đức Chúa Giê-xu Christ;

5. vì chưng anh em đã được dư dật về mọi điều ban cho, cả lời nói và sự hiểu biết,

6. như lời chứng về Đấng Christ đã được vững bền giữa anh em.

7. Anh em đang trông đợi kỳ Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta hiện đến, cũng chẳng thiếu một ơn nào.

8. Ngài sẽ khiến anh em được vững bền đến cuối cùng, để khỏi bị quở trách trong ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta.

9. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài đã gọi anh em được thông công với Con Ngài là Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta.

I. Thành phố Cô-rinh-tô

Thành phố Cô-rinh-tô thuộc nước Hy Lạp, Âu châu, và hiện giờ vẫn còn. Nước Hy Lạp chia làm hai phần, một phần phía bắc và một phần phía nam. Nối liền hai phần đó là một eo biển rất hẹp. Vì nằm ngay eo biển đó, thành phố Cô-rinh-tô là một trục giao thông giữa hai miền bắc và nam của xứ Hy Lạp. Chúng ta cũng thấy phía tây và phía đông của xứ Hy Lạp là biển Mediterranean, nên thành phố Cô-rinh-tô cũng là trục giao thông giữa đông và tây. Vì nằm trong một vị thế rất đặc biệt như vậy, thành phố Cô-rinh-tô rất giàu có.

Thật ra, thành phố Cô-rinh-tô bắt đầu chừng 5 thế kỷ trước Chúa Giáng Sinh, nhưng khoảng năm 145 trước Chúa đã bị tiêu diệt bởi quân đội La Mã. Mãi đến năm 44 trước Chúa, người ta mới gây dựng lại thành đó. Phao-lồ viết cho những tín hữu ở thành phố Cô-rinh-tô khoảng năm 55. Lúc đó thành phố cũng còn mới lắm, khoảng chừng 100 năm thôi. Vì mới như vậy, nên nó có nhiều người từ mấy chỗ khác di dân đến, và thành phố này có nhiều sắc dân, trong đó có người La Mã, người Hy Lạp, người Do Thái, và cũng có nhiều người nô lệ nữa.

Vì là thành phố Hy Lạp, và dân Hy Lạp ưa chuộng triết lý, nên thành phố này cũng là thành phố có rất nhiều đệ tử của những triết gia nổi tiếng như Socrates, Plato... Đây là thành phố của người trí thức.

Đó là những điểm tốt, còn điểm xấu là đây là thành phố trụy lạc. Người ta để ý rất nhiều về tình dục, người ta tìm kiếm những điều về thể xác. Đặc biệt hơn hết, thành phố này là thành phố đầy những đạo lạc. Trong thành phố có nhiều nhà thờ dành cho nữ thần Aphrodite, một nữ thần chuyên dạy người ta theo tình dục. Người ta coi việc làm tình ở trong những đền thờ nữ thần Aphrodite là một cách thờ phượng. Những người nhận mình làm việc trong những đền thờ như vậy thật ra chỉ là những gái mại dâm ngụy trang.

Khi nghe những điều này, chúng ta nghĩ “Đâu có gì đáng ngạc nhiên? Thiệt ra thành phố Cô-rinh-tô lúc đó so với thành phố Los Angeles hay New York giống nhau.” Chúng cũng giàu có, có nhiều sắc thái, nhưng đầy dẫy những tội ác, tình dục xấu xa. Đa số những người sống trong những thành phố này chỉ biết đi tìm những điều trí tuệ, hay những tình dục xác thịt mà thôi.

Đây là thơ mà sứ đồ Phao-lồ viết cho hội thánh trong thành phố Cô-rinh-tô. Trong chuyến truyền giáo lần thứ hai của ông, Phao-lồ đến thành phố Cô-rinh-tô. Chuyến truyền giáo này được chép lại trong sách Công Vụ các Sứ Đồ đoạn 18 như thế này:

1. Rồi đó, Phao-lồ đi khỏi thành A-thên, mà tới thành Cô-rinh-tô.

2. Tại đó, người gặp một người Giu-đa, tên là A-qui-la, quê ở xứ Bông, mới từ nước Y-ta-li đến đây với vợ mình là Bê-rít-sin, bởi vì vua Cơ-lốt có chỉ truyền mọi người Giu-đa phải lánh khỏi thành Rô-ma; Phao-lồ bèn hiệp với hai người.

3. Vì đồng nghề, nên Phao-lồ ở nhà hai người mà làm việc chung nhau; vả, nghề các người đó là may trại.

4. Hễ đến ngày Sa-bát, thì Phao-lồ giảng luận trong nhà hội, khuyên dỗ người Giu-đa và người Gờ-réc.

5. Khi Si-la và Ti-mô-thê từ xứ Ma-xê-đoan đến, thì Phao-lồ hết lòng chuyên lo về sự giảng dạy, làm chứng với người Giu-đa rằng Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ.

6. Nhưng, vì chúng chống cự và khinh dể người, nên người giũ áo mình mà nói rằng: Ước gì máu các ngươi đổ lại trên đầu các ngươi! Còn ta thì tinh sạch; từ đây, ta sẽ đi đến cùng người ngoại.

7. Phao-lồ ra khỏi đó, vào nhà một người tên là Ti-ti-u Giút-tu, là kẻ kính sợ Đức Chúa Trời, nhà người giáp với nhà hội.

8. Bấy giờ Cơ-rít-bu, chủ nhà hội, với cả nhà mình đều tin Chúa; lại có nhiều người Cô-rinh-tô từng nghe Phao-lồ giảng, cũng tin và chịu phép báp-têm.

9. Ban đêm, Chúa phán cùng Phao-lồ trong sự hiện thấy rằng: Đừng sợ chi; song hãy nói và chớ làm thinh;

10. ta ở cùng ngươi, chẳng ai tra tay trên ngươi đặng làm hại đâu; vì ta có nhiều người trong thành nầy.

11. Phao-lồ ở lại đó một năm sáu tháng, dạy đạo Đức Chúa Trời trong đám họ.

12. Lúc Ga-li-ôn đang làm quan trấn thủ xứ A-chai, người Giu-đa đồng lòng nổi lên nghịch cùng Phao-lồ và kéo người đến tòa án,

13. mà nói rằng: Người nầy xui dân thờ Đức Chúa Trời một cách trái luật pháp.

14. Phao-lồ vừa toan mở miệng trả lời, thì Ga-li-ôn nói cùng dân Giu-đa rằng: Hỡi người Giu-đa, giá như về nỗi trái phép hay tội lỗi gì, thì theo lẽ phải, ta nên nhịn nhục nghe các ngươi.

15. Song nếu biện luận về địa lý, danh hiệu, hay là luật pháp riêng của các ngươi, thì hãy tự xử lấy; ta chẳng khứng xử đoán những việc đó đâu.

16. Người bèn đuổi chúng ra khỏi tòa án.

17. Bấy giờ, chúng bắt Sốt-then, chủ nhà hội, đánh đòn trước tòa án, nhưng Ga-li-ôn chẳng lo đến việc đó.

Sau khi gây dựng hội thánh Cô-rinh-tô rồi, Phao-lồ mới đi qua sứ Ê-phê-sô, tức là bên kia biển. Qua Ê-phê-sô, ông mới nghe một số điều về hội thánh Cô-rinh-tô, và ông có viết một bức thư từ Ê-phê-sô gởi về Cô-rinh-tô. Trong đoạn 5 câu 9 ông cũng nhắc lại bức thư đó. Chúng ta không còn lá thư đầu tiên mà Phao-lồ viết cho hội thánh ở Cô-rinh-tô nữa. Mặc dầu đã nhận được bức thư đó, hội thánh Cô-rinh-tô vẫn còn có nhiều thắc mắc, nên họ mới gởi một số người đến Ê-phê-sô gặp Phao-lồ để hỏi thêm. Phao-lồ vì thế mới viết bức thư mà chúng ta gọi là thư Cô-rinh-tô thứ nhất ở đây. Nói đến những điều người Cô-rinh-tô hỏi, ông viết trong đoạn 7 câu 1, “Luận đến các điều hỏi trong thư anh em....”

Hồi nãy chúng ta để ý là thành phố Cô-rinh-tô là một thành phố suy đồi. Về kinh tế thì thịnh vượng, nhưng về đạo đức hay tôn giáo thì hoàn toàn băng hoại. Đáng lẽ ở trong nơi tối tăm đó, hội thánh Cô-rinh-tô phải là ánh sáng để soi sáng cộng đồng xung quanh, nhưng hội thánh cũng không khá gì. Có rất nhiều khó khăn trong hội thánh mà chúng ta sẽ lần lượt phân tích. Có lẽ những khó khăn đó phản ánh đời sống bên ngoài, chẳng hạn như sự chia rẽ trong Hội Thánh, hay vấn đề tình dục ở trong Hội Thánh. Cũng có vấn đề bè phái, tranh chấp trong Hội Thánh, nhiều khi phải kéo nhau ra tòa để kiện tụng.

Những điều đó cũng đang xảy ra trong nhiều hội thánh hôm nay. Hội thánh chúng ta cũng đang nằm trong một thành phố giống như thành phố Cô-rinh-tô, là nơi thịnh vượng về tài chánh, nhưng hoài toàn băng hoại về đạo đức và tôn giáo.

II. Phao-lồ tạ ơn Đức Chúa Trời

Trước khi nghe Phao-lồ giảng bày hay sửa trị, chỉ trích hội thánh Cô-rinh-tô về những xấu xa trong đời sống của họ, hôm nay chúng ta để ý đến cách Phao-lồ bắt đầu đối phó với những điều này. Để ý rằng khi Phao-lồ viết một bức thư để chỉ trích hội thánh Cô-rinh-tô, ông không bắt đầu bằng cách la rầy liền. Ông cũng không giả bộ là những vấn đề đó không có, và cứ khen ngợi hội thánh để họ vui lòng. Không, ông sẽ sửa trị, chỉ trích, chỉ bảo. Nhưng bài học cho chúng ta hôm nay là, trước khi làm điều đó, ông ngợi khen Chúa về những điều Chúa làm trong hội thánh Cô-rinh-tô.

Câu 4, “Tôi hằng vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời bởi cớ anh em đã được Đức Chúa Trời ban ơn trong Đức Chúa Giê-xu Christ.” Vâng, hội thánh Cô-rinh-tô có nhiều vấn đề, nhưng hội thánh Cô-rinh-tô là hội thánh của Chúa, và những người tín đồ trong đó có cái gì đặc biệt khác hẳn với những người ngoài. Có thể họ không sống đạo đức bằng người ngoài, nhưng họ có một vài điều rất đáng được cám ơn, đó là những điều Chúa đã làm cho họ, chứ không phải những gì mà họ đã làm.

Phao-lồ cám ơn Đức Chúa Trời đã ban ơn cho hội thánh Cô-rinh-tô. Ơn tiếng Anh là grace, mà mình cũng dịch là “ân điển.” Đức Chúa Trời đã ban cho hội thánh Cô-rinh-tô rất nhiều điều mà hội thánh này không xứng đáng nhận được. Xin cho tôi chia xẻ những ân phước mà Phao-lồ kể ra đây. Tôi sẽ chia làm ba phần, phần thứ nhất là những ơn đã xảy ra trong quá khứ, thứ hai là những ơn đang xảy ra, và sau cùng là những ơn sẽ xảy ra trong tương lai.

1. Ơn trong quá khứ:

a. Ơn được gọi

Trước hết, chúng ta đọc câu 2, “...gởi cho hội thánh của Đức Chúa trời tại Cô-rinh-tô.” Ngừng lại đây, chúng ta suy nghĩ chữ “hội thánh.” Trong nguyên bản Hy Lạp, chữ này có nghĩa là tập hợp của những người đã được gọi ra. Hội thánh không phải là một trụ sở. Hôm nay chúng ta ngồi lại với nhau là một vinh dự lớn. Trong lúc người ngoài Việt Nam khác ở nhà, ngủ, đi biển..., Đức Chúa Trời gọi từng người một chúng ta, và tập hợp lại đây để thành một hội thánh.

Đây là một ơn phước vì chúng ta không ai xứng đáng được Ngài gọi hết. Đoạn 1 câu 26 nói, “Hỡi anh em, hãy suy xét rằng giữa anh em, là những kẻ được gọi, không có nhiều khôn ngoan xác thịt, chẳng có nhiều kẻ quyền thế, chẳng có nhiều kẻ sang trọng.” Tất cả những thành công chúng ta có ngoài đời, những đạo đức chúng ta làm ngoài Ngài, đều vô ích trước mặt Thượng Đế. Trước khi Đức Chúa Trời gọi chúng ta, như trong Ê-phê-sô 2:1 nói, chúng ta đã “chết vì lầm lỗi và tội ác mình.” Chúng ta không làm được gì hết, và chỉ có Đức Chúa Trời, trong ân điển, đã chọn chúng ta, đặt chúng ta vào đây, và gọi chúng ta là hội thánh của Ngài.

b. Ơn được nên thánh

Phao-lồ nói tiếp: “...tức là những người đã được nên thánh trong Đức Chúa Giê-xu Christ.” “Nên thánh” là gì, thưa quý vị? Đây không phải là mình trở thành ông thánh, bà thánh. Trong nguyên bản, chữ “nên thánh” có nghĩa là được biệt riêng ra để làm việc gì cho Đức Chúa Trời. Tôi có ví dụ này mà tôi đã đưa ra nhiều lần, để giải thích chữ “nên thánh:” Má tôi ngày xưa theo đạo Phật. Trong nhà có nhiều chén dĩa, nhưng bà chọn riêng một cái chén để ăn chay thôi. Bà đã làm cái chén đó nên thánh. Chúa chọn chúng ta từ cộng đồng bên ngoài về đây, không phải chỉ để chơi cho vui, không phải là không có mục đích gì. Ngài có mục đích cho chúng ta, và Ngài muốn chúng ta hoàn thành mục đích đó. Ngài muốn chúng ta nên thánh. Đây là một ơn điển, vì chúng ta được chọn không phải do điều gì thuộc vào chúng ta.

Trong đoạn 6 câu 10 Phao-lồ viết, “Chớ tự dối mình, phàm những kẻ tà dâm, kẻ thờ hình tượng, kẻ ngoại tình, kẻ làm dáng yểu điệu, kẻ đắm nhan sắc, kẻ trộm cướp, kẻ hà tiện, kẻ say sưa, kẻ chưởi rủa, kẻ chắt bóp, đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu.” Nhưng qua câu 11 ông viết, “trước kia anh em ít nữa cũng có một đôi người như thế, nhưng nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ, nhờ Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta, thì anh em được rửa sạch, được nên thánh, được xưng công bình rồi.” Nhìn lại, chúng ta chỉ biết cám ơn Chúa mà thôi, cũng như Phao-lồ ở đây cám ơn Chúa về hội thánh Cô-rinh-tô, tức là tập hợp của những người đã được nên thánh trong Đức Chúa Giê-xu Christ.

c. Ơn được gọi là thánh đồ

Phao-lồ còn nói thêm, “...được gọi là thánh đồ.” Mỗi người chúng ta là một ông thánh, bà thánh. Thánh Minh bữa nay đứng lên đây giảng, có thánh Rong, thánh Ngọc nghe. Chúng ta là những vị thánh trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta không đợi một người nào mang danh là giáo chủ cho chúng ta chức thánh đó. Vì sao chúng ta được gọi là thánh đồ? Vì chúng ta thánh thiện? Thánh Minh này nói chơi, thánh Minh mà thánh thiện sao? Thưa đúng như vậy. Đức Chúa Trời biết rõ thánh Minh, biết rõ thánh này tối nằm suy nghĩ bao nhiêu điều dơ bẩn, biết rõ là thánh này đã làm những điều đáng xấu hổ, không muốn cho người ta biết. Nhưng Đức Chúa Trời nhìn thánh Minh không thấy điều đó nữa, vì dòng huyết của Chúa Giê-xu Christ đã rửa sạch ông thánh này rồi. Đức Chúa Trời gọi mỗi người chúng ta là thánh không phải chúng ta không có tội lỗi. Vâng chúng ta đầy tội lỗi. Nhưng cám ơn Chúa, Chúa đã chọn chúng ta, đặt chúng ta vào hội thánh, cho chúng ta trách nhiệm đặc biệt để chúng ta làm, nhìn chúng ta như không có tội lỗi gì hết, và Chúa thật sự thấy chúng ta như những vị thánh.

Đó là những điều Đức Chúa trời đã làm cho hội thánh Cô-rinh-tô và cũng đã làm cho hội thánh Garden Grove ở đây.

2. Ơn trong hiện tại: được dư dật về mọi điều

Bây giờ chúng ta nhìn những điều hiện tại. Phao-lồ viết cho những tín đồ tại Cô-rinh-tô, và ông cũng cám ơn Chúa về những điều Chúa đang làm trong đời sống của họ nữa. Chúa đang làm gì cho những người đã được cứu? Thưa quý vị, khi chúng ta tin Chúa, có lẽ điều tốt nhất mà Chúa có thể làm cho chúng ta là Ngài đánh chúng ta cái rầm, để chúng ta ngả xuống chết, và về thiên đàng với Chúa tức thì. Về với Chúa là điều tốt nhất, vì còn ở trên thế gian này còn có nhiều khó khăn, nhiều đau đớn trong thân thể. Nhưng Chúa không muốn làm như vậy. Chúa muốn để chúng ta trên thế gian này, vì Ngài có một chương trình cho chúng ta. Chúa muốn biệt chúng ta ra để làm sáng danh Ngài trên thế gian này. Nhưng còn giam hãm trong thân thể này, chúng ta vẫn còn phạm tội. Nhờ dòng huyết của Đức Chúa Giê-xu Christ, chúng ta thành thánh nhân, nhưng trong đời sống hằng ngày, chúng ta vẫn còn là những người tội lỗi, là những người phải sống giữa thế gian đầy tội ác này. Chúa biết điều đó, và không những ơn điển của Chúa đã bày tỏ ra trong quá khứ để chúng ta được cứu, nhưng ân điển của Ngài cũng kéo dài trong đời sống chúng ta nữa. Trong câu 4, động từ “ban ơn” trong nguyên bản nói đến hành động xảy ra trong quá khứ, nhưng không hoàn toàn chấm dứt, và âm hưởng của nó vẫn còn kéo dài trong hiện tại. Không những Chúa ban cho chúng ta ơn cứu rỗi trong quá khứ, nhưng điều đó vẫn còn kéo dài trong hiện tại, và nhờ ơn đó bây giờ chúng ta có thể sống trên đời sống này.

Khi nói đến hội thánh Cô-rinh-tô, cũng như hội thánh chúng ta, Phao-lồ nói trong câu 5, “vì chưng anh em đã được dư dật về mọi điều ban cho.” Vâng, trong đời sống chúng ta, Chúa cho chúng ta dư dật bao nhiêu ơn phước, để chúng ta có thể sống với xã hội xung quanh, mà không bị lôi kéo vào trong quỹ đạo của nó. Khi nhớ lại bối cảnh của cuốn sách Cô-rinh-tô thứ nhất, thấy hội thánh này có nhiều điều xấu xa, có lẽ chúng ta thấy Phao-lồ này nói giỡn chơi hay nói mai mỉa ở đây. Nhưng thưa không, dầu chúng ta không biết chắc, nhưng có thể hội thánh Cô-rinh-tô, xấu xa như vậy, vẫn tốt hơn xã hội bên ngoài. Trong lá thơ Cô-rinh-tô thứ hai sau đó, Phao-lồ khen hội thánh Cô-rinh-tô. Thành ra chúng ta thấy hội thánh Cô-rinh-tô ít nhất đang đi lên.

Mặc dầu được coi là ông thánh vì dòng huyết của Ngài, chúng ta không thể thành thánh qua đêm. Chúng ta vẫn có những thói hư tật xấu, mà phải từ từ mới bỏ đi được. Chúa không đòi hỏi chúng ta trở thành ông thánh thật sự, không có tội lỗi gì hết trong đời sống này. Đó là lý tưởng mà mình nhắm đến, mà mình chỉ có thể đạt được trong ngày mình chết đi. Điều mình chỉ có thể mong muốn trên đời này là càng ngày mình càng tốt hơn.

Vâng, hội thánh Cô-rinh-tô, dù có những khó khăn đó, nhưng đã được Chúa ban ơn nhiều, để càng ngày càng tốt hơn. Thật ra, sách Cô-rinh-tô thứ nhất cho chúng ta thấy những người trong hội thánh Cô-rinh-tô không thiếu ơn, để có thể sống một đời sống tốt đẹp cho Chúa. Đúng ra, vấn đề của hội thánh Cô-rinh-tô không phải là họ thiếu ơn, nhưng là họ có quá nhiều ơn, nhiều đến nỗi họ lấy làm hãnh diện về những ơn đó, hay họ không biết sử dụng những ơn đó đúng cách, và chúng ta sẽ học những điều này về sau.

Khi nói, “Anh em đang trông đợi kỳ Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta hiện đến,” Phao-lồ muốn nhắc nhở chúng ta là Chúa cho chúng ta nhiều ơn để có thể sống trên thế gian này, nhưng chúng ta phải biết rằng những ơn đó là chỉ tạm bợ trong lúc chúng ta chờ đợi ngày Chúa Giê-xu hiện đến mà thôi.

Có 3 loại ơn trong hiện tại mà Phao-lồ đặc biệt nói ở đây.

a. Ơn về lời nói và sự hiểu biết

Thứ nhất là ơn “về cả lời nói và sự hiểu biết” (câu 5). Hiểu biết điều gì? Thưa, hiểu biết rằng Chúa Giê-xu là Thượng Đế hằng sống. Nếu không có Đức Thánh linh làm việc trong lòng chúng ta, nếu Đức Thánh Linh không thay đổi cái nhìn chúng ta, không ai biết được điều này.

Khi đã có ơn về sự hiểu biết rằng Chúa Giê-xu là Thượng Đế hằng sống rồi, chúng ta có ơn về lời nói, tức là ơn nói về Chúa cho người khác. Tôi nghĩ ơn này ít người dùng đến, nhưng xin quý vị thử đi. Khi quý vị đi ra nói chuyện với người khác về Chúa, quý vị sẽ thấy Chúa ban cho quý vị thêm ơn.

b. Ơn về sự thông công với Con Ngài

Không những Chúa ban cho chúng ta ơn để có thể mạnh dạn mở miệng nói với người khác về Ngài, quan trọng hơn hết, trong câu thứ 9, Phao-lồ viết “Ngài đã gọi anh em được thông công với Con Ngài là Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta.” Ơn lớn nhất mà Ngài cho chúng ta là sự thông công với Đức Chúa Giê-xu Christ qua Đức Thánh Linh.

Đây là một ơn lớn. Chúa không để chúng ta sống bơ vơ một mình trên thế gian này, để bị gió đời đánh, tạt qua, tạt lại, nhưng Ngài cho chúng ta Đức Thánh Linh trong lòng, để làm bạn với chúng ta. Đức Thánh Linh là Đấng đứng bên cạnh chúng ta, để nâng đỡ, vỗ về, an ủi chúng ta khi cô đơn. Ngài cũng là Đấng nói giùm cho chúng ta nữa: Ngài biện hộ trước mặt Thượng Đế thay cho chúng ta. Ở trong lòng chúng ta, Đức Thánh Linh cầu nguyện, than khóc thay cho chúng ta, khi chúng ta không có đủ lời, để nói lên những điều tận trong đáy lòng của mình. Chúng ta phải nhớ rằng ơn về sự thông công với Con Ngài trong hiện tại chỉ có thể xảy ra khi ơn cứu rỗi trong quá khứ đã thật sự xảy ra.

Phao-lồ cám ơn Chúa về hội thánh Cô-rinh-tô, và chúng ta cũng cám ơn Chúa về hội thánh Garden Grove này nữa, vì không những trong quá khứ Ngài đã gọi, đã biệt riêng ra, đã coi mỗi người chúng ta như ông thánh bà thánh, nhưng trong hiện tại Ngài cũng đã ban cho chúng ta nhiều ơn điển để có thể sống trong thế gian này.

3. Tương lai: Khỏi bị quở trách

Thế thì trong tương lai như thế nào, thưa quý vị? Câu 8, “Ngài sẽ khiến anh em được vững bền đến cuối cùng, để khỏi bị quở trách trong ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta. Đức Chúa Trời là thành tín.” Tôi vẫn nhắc đi nhắc lại là, khi Đức Chúa Trời đã chọn chúng ta, đã cứu chúng ta rồi, Ngài sẽ không để chúng ta bị mất. Xin quý vị đừng sợ là hôm nay mình thật sự tin Chúa, nhưng không biết tương lai có gì xảy ra khiến mình mất Chúa. Vì Đức Chúa Trời là thành tín, khi Ngài hứa cho những ai tin Ngài sự vinh quang đời đời về sau, Ngài sẽ giữ lời hứa đó: Ngài sẽ gìn giữ chúng ta để chúng ta khỏi bị quở trách trong ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ. Trong ngày cuối cùng, khi chúng ta đối diện với Đức Chúa Giê-xu Christ, dòng huyết của Ngài vẫn sẽ che phủ tất cả những tội lỗi của chúng ta. Và chúng ta sẽ không bị quở trách, vì không có gì để chúng ta bị quở trách nữa. Tất cả những tội lỗi của chúng ta đã được dòng huyết của Chúa Giê-xu Christ che phủ, rửa sạch rồi.

Hôm nay, hội thánh nói chung ở tiểu bang California có lẽ cũng không đạo đức gì hơn hội thánh Cô-rinh-tô ngày xưa, và cũng có những vấn đề giống như những vấn đề của hội thánh Cô-rinh-tô. Dầu vậy, chúng ta vẫn là những người đặc biệt, quá đặt biệt vì chúng ta là những người đã được chọn ra, đã được gọi là hội thánh của Đức Chúa Trời, đã được biệt riêng ra, đã được Đức Chúa Trời coi như thánh, đã được Đức Chúa Trời ban cho bao nhiêu ơn phước để có thể tiếp tục sống trên đời này, và sẽ trở thành hoàn toàn không chỗ trách được khi chúng ta đối diện với Đức Chúa Giê-xu Christ trong ngày cuối cùng.

Hồi nãy giờ, tôi nói đến hội thánh Cô-rinh-tô và hội thánh Garden Grove, và tôi coi hai như một, vì Phao-lồ nói rõ ràng trong lời mở đầu rằng không phải ông chỉ viết cho hội thánh Cô-rinh-tô không, ông cũng viết “cho mọi người bất luận nơi nào, cầu khẩn danh Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, là Chúa của những người ấy và của chúng ta.” Điều chúng ta cần làm là cầu khẩn danh của Đức Chúa Giê-xu Christ, và chúng ta cám ơn Chúa là hội thánh chúng ta có những người đã thật sự cầu khẩn danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Hôm nay tôi muốn kết luận bằng cách xin khuyến khích quý vị cám ơn Chúa về những điều Chúa làm cho mình trong đời sống mình trong quá khứ, trong hiện tại và trong khi mình còn mong chờ đến ngày cuối cùng trong tương lai.

Mục sư Đỗ Lê Minh