Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 8 | Bài 10 >> | Hướng Dẫn

Bài 9

TRƯỜNG ĐỜI LÀ TRƯỜNG ĐUA

I CÔ-RINH-TÔ 9:24-27

 

Kính thưa quý vị, tuần trước tôi chia xẻ với quý vị về sự liên hệ giữa sự tự do trong hiểu biết với sự tự do trong tình yêu thương. Có nhiều điều, mặc dầu kinh thánh không cấm, nhưng chúng ta không làm vì tình yêu thương. Tiếp tục bàn về vấn đề này trong sách Cô-rinh-tô thứ nhất, Phao-lồ đưa ra một thí dụ trong đời sống của ông. Là sứ đồ, đáng lẽ ông phải được người khác cung cấp tiền bạc để sống, nhưng ông từ chối. Từ đó, ông đổi qua một ví dụ khác, mà chúng ta thấy như là không chỉnh ở đây, đó là ông nói cuộc đời của chúng ta giống như một cuộc chạy đua, hay trường đời là trường đua. Ông nói như thế để cho thấy rằng, mặc dầu ông có sự tự do làm được tất cả mọi chuyện, ông cũng có một trách nhiệm, đó là chạy cuộc đua mà Chúa đã đặt trước mặt ông.

Hôm nay chúng ta học sách Cô-rinh-tô thứ nhất đoạn 9 từ câu 24 đến câu 27:

24. Anh em há chẳng biết rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao? Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng.

25. Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát.

26. Vậy thì, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió;

27. song tôi đãi thân thể mình cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng.

I. Trường đua đúng

Phao-lồ nói mỗi người chúng ta, dầu muốn hay không, sanh ra trong một trường đua, và phải chạy đua trên cuộc đời này. Có người còn trẻ, vừa mới bắt đầu chạy; có người đã chạy gần đến cuối cuộc đời. Nhưng sanh ra trong thế gian, chúng ta phải chạy. Điều quan trọng là chúng ta phải chọn cho đúng cuộc đua, vì nhiều người đã chạy lầm cuộc đua.

a. Mục đích đúng

Thế thì, thế nào gọi là cuộc đua đúng? Thứ nhất, cuộc đua đúng phải có mục đích đúng. Như Phao-lồ nói ở đây, “Tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió.” Ở thành phố Cô-rinh-tô lúc đó, cứ mỗi hai năm một lần, có một chương trình tranh đua thể thao có tên là Isthmian, chỉ hơi nhỏ hơn chương trình Olympic lúc đó một tí thôi. Có hai môn người ta tranh tài: thứ nhất là chạy đua, thứ hai là đánh võ. Phao-lồ ví von những người sống đời sống không đúng mục đích như những người chạy bá vơ, hay những người đánh gió. Vâng, có nhiều người chỉ sống qua ngày, không biết mình sống để làm gì: Sáng dậy vác cặp đi làm, tối về lăn đùng ra ngủ. Kết quả là chán đời, vì thấy đời thiếu ý nghĩa. Có một số người khác có mục đích cho đời, nhưng là mục đích sai lầm. Muốn trở thành ông này ông kia, được nhiều tiền, danh vọng là những mục đích sai lầm. Tiếng Anh có một chữ mà dịch ra Tiếng Việt không được, đó là the rat race, ví sánh đời sống như cuộc đua của những con chuột. Trong cuộc đua đó, chúng ta giành giựt, cấu xé lẫn nhau, để leo lên bậc thang xã hội. Đến cuối cuộc đua, khi sắp lìa đời, nhìn lại, chúng ta thấy mình đã leo lộn bức tường!

Cám ơn Chúa, là tín đồ, chúng ta không có những mục đích sai lầm đó, nhưng có một mục đích mới, và đúng, cho đời sống chúng ta. Nhiều người nghĩ mục đích đó là thiên đàng. Một phần đúng như vậy, nhưng một phần cũng không đúng, vì thiên đàng là điều Thượng Đế đã hứa cho chúng ta giây phút chúng ta tin Chúa rồi. Chúng ta đã có thiên đàng, đã có sự sống đời đời rồi, thành không cần chạy kiếm những điều đó nữa.

Nhưng Chúa đã không đem chúng ta về thiên đàng tức khắc lúc chúng ta tin Chúa, nhưng để chúng ta ở lại tiếp tục chạy cuộc đua đời mình. Thế thì Chúa để chúng ta lại để làm gì? Thưa, để chúng ta tiếp tục chạy đến mục đích của đời sống mình, ấy là Chúa Giê-xu Christ. Sách Hê-bơ-rơ đoạn 12 từ câu 1 nói như thế này, “Chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, nhìn xem Đức Chúa Giê-xu là cội rễ và cuối cùng của đức tin.

Chúng ta phải chạy làm sao để mỗi ngày chúng ta càng giống Chúa hơn, càng gần Chúa hơn. Phao-lồ nói trong Phi-líp từ đoạn 3 đến câu 11, “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Giê-xu Christ là quí hơn hết.... Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ và được ở trong Ngài, được sự công bình,.... cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết.” Khi đã đặt niềm tin vào Chúa rồi, chúng ta phải từ bỏ cuộc chạy đua tìm tiền tài, danh vọng ngoài đời, để bước qua một trường đua mới, trong đó chúng ta nhìn đến Chúa Giê-xu là cội rễ và cuối cùng của đức tin, và chạy đến Ngài. Đời sống chúng ta phải càng ngày càng thể hiện Chúa Giê-xu nhiều hơn. Đó là đích của đời sống chúng ta.

b. Đường đua đúng

Nếu chúng ta nhìn Chúa Giê-xu mà chạy, thì con đường chúng ta chạy cũng khác nữa. Đường chúng ta chạy tìm Chúa Giê-xu là con đường hẹp và vắng, ít người chạy. Chúng ta có thể cảm thấy cô đơn khi chạy trên con đường này. Chúa nhật chúng ta đến ngồi đây, không đi biển, đi chợ đông người hơn, vui vẻ hơn. Nhưng đây là bước chúng ta chạy.

Chạy theo con đường của Chúa, chúng ta cũng không chạy đường tắt nữa. Trên cuộc đua ngoài đời, người ta tìm cách cắt góc này, cắt góc kia, để đến đích tiền tài danh vọng sớm hơn. Nhưng đối với cuộc đua trong Chúa, mình không tìm cách cắt ngắn đoạn đường. Chúng ta cũng không làm bộ làm cái này, cái kia trong hội thánh, để người ta thấy như mình đang chạy trên đường đua đến Chúa.

c. Đối thủ đúng

Chúng ta cũng phải biết đối thủ của chúng ta là ai. Đọc phớt qua đoạn này, mình nghĩ, “Bây giờ mình phải chạy đua với các tín đồ khác, để coi ai về nhất.” Nhưng không, Phao-lồ không nói như vậy. Trong trường đua ngoài đời, chỉ có một người về nhất mà thôi, thành chúng ta phải giành giựt, đè bẹp người khác. Nhưng trong cuộc đua trong Chúa, chúng ta đua với ma quỷ, không với tín hữu. Ê-phê-sô đoạn 6 câu 12, “Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy.” Như sư tử rống, ma quỷ rình rập trong cuộc chạy đua đến Chúa của chúng ta, đợi chúng ta sơ hở, để kéo chúng ta trở ngược lại.

d. Phần thưởng đúng

Chúng ta cũng phải biết phần thưởng đang chờ đợi chúng ta. Bàn đến những người chạy đua ngoài đời, Phao-lồ nói trong câu 25, “Họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát.” Chúng ta biết rằng những điều chúng ta đạt được trên đời này như tiền tài, danh vọng không tồn tại lâu dài. Nếu không mất chúng khi còn sống, ngày nào đó chúng ta cũng phải bỏ chúng lại khi lìa thế gian. Ngược lại, khi chúng ta nhắm Chúa Giê-xu như cội rễ và cuối cùng của đức tin, chạy theo con đường hẹp và vắng, phần thưởng đón chờ chúng ta là mão triều thiên không hay hư nát. Phao-lồ không nói ở đây sự cứu rỗi (mỗi người chúng ta khi tin Chúa đã được sự cứu rỗi), nhưng ông nói đến phần thưởng mà Chúa ban cho những người tín đồ trung tín của Ngài. Đó là những phần thưởng không hư nát. Chúa đội mão triều thiên trên đầu những người đó, vỗ đầu họ và nói: “Được lắm, hỡi người đầy tớ ngay lành và trung tín kia!” Ngày cuối cùng khi đạt đến đích Chúa Giê-xu, mình được một giải thưởng quan trọng hơn, lâu dài hơn, đem lại cho mình một sự thỏa mãn vô cùng.

Cho tôi nói lại: Sanh ra trên đời này, chúng ta đã bắt đầu cuộc chạy đua. Nhưng cám ơn Chúa, là trong ơn điển của Ngài, Ngài bốc chúng ta ra khỏi cuộc chạy đua đó, và đặt chúng ta vào một cuộc chạy đua khác, cuộc chạy đua thuộc linh. Vì thế, cuộc chạy đua ngoài đời trở thành không có ý nghĩa nữa. Bây giờ chúng ta chạy trên một con đường vắng người đến Chúa, đến bàn tay của Ngài, biết rằng phần thưởng dành cho mình có giá trị lâu dài hơn tất cả những điều chúng ta có thể tìm được trong cuộc chạy đua vật chất. Là tín đồ, chúng ta không ngồi chơi xơi nước, nhưng dự phần vào một cuộc chạy đua mới, trong đó có một mục đích mới, đoạn đường mới, đối thủ mới, và phần thưởng mới.

II. Cách chạy đúng

a. Đừng bỏ cuộc

Bây giờ chúng ta bàn đến cách chúng ta chạy trên cuộc chạy đua thuộc linh mới này. Điều quan trọng hơn hết là chúng ta không bỏ cuộc. Vâng, như hồi nãy tôi nói, đoạn đường thuộc linh hẹp, khó khăn, và cô đơn. Đôi khi mình lầm lỡ; đôi khi mình phạm tội; ngày cả đôi khi mình bị những tín đồ khác làm mình té. Nhưng xin chúng ta đừng ngã lòng, bỏ cuộc, trở lại cuộc chạy đua ngoài đời. Phao-lồ muốn khuyến khích chúng ta chạy cho đến hơi thở cuối cùng. Phần thưởng đến, không phải vì chúng ta chạy hơn ai, nhưng vì chúng ta kiên trì, tiếp tục chạy đến đích.

Mấy tháng vừa rồi, người ta luôn nói đến một người lực sỹ xe đạp tên Lance Armstrong. Năm 1996, ông bị bệnh ung thư. Bác sĩ nói bệnh này đã lan vào trong đầu óc và phổi của ông, và họ không có hy vọng chữa được. Nhưng mặc dầu việc chữa trị làm thân thể ông yếu đuối, ông vẫn kiên trì, không bỏ cuộc, và vừa mới đoạt giải vô địch vòng đua xe đạp nước Pháp thêm một lần nữa, tức lần thứ sáu.

Trong Olympics năm 1968 tại Mexico City, có một người Tanzania tên là John Stephen Akhwari tranh giải chạy đua đường trường. Ông bị té, và bị thương ở đầu gối. Mãi đến 7 giờ tối hôm đó, sau khi hầu hết các khán giả đã ra về, người ta mới thấy ông lết từng bước một đến đích ở trong vận động trường. Sau đó, khi được hỏi tại sao ông không bỏ cuộc, ông trả lời, “Quốc gia của tôi không gởi tôi 7 ngàn dặm qua đây để bắt đầu cuộc chạy, nhưng để hoàn tất cuộc chạy.”

b. Nhìn Chúa Giê-xu

Câu hỏi là làm sao chúng ta có thể kiên trì như vậy? Khi còn trẻ, tôi chạy rất nhiều mỗi ngày. Nhưng hơn 10 năm nay, tôi không chạy nữa, vì đầu gối tôi có vẻ không thích hợp với lối thể dục này. Nhưng khi soạn bài giảng này tuần trước, tôi quyết định ra biển chạy một vòng. Lâu ngày không chạy, chỉ có một bí quyết làm tôi chạy được 5 dặm mà thôi, đó là tôi nhìn cây cầu dạo ở Newport Beach, và cứ biểu mình phải chạy đến đích đó. Tôi rất vui mừng thưa với quý vị là cuối cùng tôi đã đạt đến đích. Nếu mình không có đích, rất dễ để mình nhìn thấy bao nhiêu khó khăn và bỏ cuộc. Nhưng, như mình nói hồi nãy, trong cuộc chay đua thuộc linh, chúng ta có đích là Chúa Giê-xu. Chúng ta phải nhìn Chúa Giê-xu như cội rễ và cuối cùng của đức tin của mình. Chúng ta phải nghĩ đến đích đó trong mỗi ngày, mỗi giờ trong đời sống của mình, để có thể tiệp tục cuộc đua thuộc linh.

Cám ơn Chúa, Ngài không chỉ đứng đằng xa, thờ ơ, để chúng ta nhìn Ngài mà chạy. Nhưng Ngài luôn đưa tay mời gọi, khuyên nhủ chúng ta, “Con ơi, chạy lại ta.” Xin quý vị tưởng tượng một người mẹ tập người con bước đi. Người mẹ đứng đó như một cái đích cho người con bước đến. Có thể người mẹ để người con té, nhưng sau đó luôn khuyến khích người con đứng lên, để tiếp tục bước tới vòng tay người mẹ. Đó là hình ảnh của Chúa Giê-xu: Trong sự âu yếm, Ngài mời gọi, khuyến khích chúng ta chạy đến với Ngài.

Cuộc đua thuộc linh của chúng ta không phải là như một cuộc đua trong Olympic, trong đó người ta ăn gian, đè bẹp lẫn nhau để được giải. Nhưng cuộc đua thuộc linh của chúng ta là một Olympic đặc biệt (Special Olympic). Quý vị có nghe về Special Olympic không? Những cuộc đua này chỉ dành cho những người chậm phát triển, phần lớn là các em nhỏ. Trong cuộc đua, các em dìu dắt nhau, khuyến khích để chạy đến đích. Đứng đàng sau đích là những cha mẹ, khuyến khích, cổ võ các em chạy. Các em chỉ cần chạy đến đích mà thôi, không cần biết ai trước, ai sau. Cũng vậy, chúng ta là những người bị hư mất, không có khả năng. Nhưng Chúa, là cha mẹ chúng ta, đang đứng đàng sau đích để khuyến khích, mời gọi chúng ta chạy đến Ngài.

Nhờ nhìn đến Chúa Giê-xu, chúng ta không còn nhìn lại đằng sau nữa, như Phao-lồ nói trong Phi-líp đoạn 3 từ câu 13 đến câu 14, “Hỡi anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích, nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ.” Vâng, Phao-lồ đã làm nhiều điều không đẹp lòng Chúa trong quá khứ. Nhưng khi Chúa đã cứu ông, thì ông quên lửng những chuyện đó, và ông chỉ biết nhìn Chúa Giê-xu để chạy đến Ngài mà thôi.

Cũng có một câu chuyện của Phi-e-rơ trong Ma-thi-ơ đoạn 14 từ câu 28. Trong một đêm sóng gió, thấy Chúa Giê-xu đằng xa, “Phi-e-rơ bèn thưa rằng: Lạy Chúa, nếu phải Chúa, xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa. Ngài phán rằng: Hãy lại đây! Phi-e-rơ ở trên thuyền bước xuống, đi bộ trên mặt nước mà đến cùng Đức Chúa Giê-xu.” Nhưng câu kế tiếp nói, “Song khi thấy gió thổi, thì Phi-e-rơ sợ hãi, hòng sụp xuống nước.” Có một lúc nào đó, Phi-e-rơ không nhìn Chúa Giê-xu, nhưng nhìn gió thổi, và không còn đi trên nước được nữa.

Bí quyết ở đây là chúng ta chỉ nhìn Chúa Giê-xu mà thôi. Chúng ta không nhìn lại đằng sau, để thấy những lỗi lầm của mình trong quá khứ, mà mình không làm gì được. Chúng ta cũng không nhìn xung quanh, để thấy những khó khăn trên đời này, để thấy người khác giàu có, sang trọng hơn mình.

c. Thao luyện

Không những chỉ nhìn Chúa Giê-xu, chúng ta cũng phải thao luyện. Câu 25, “Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ;” câu 27, “Song tôi đãi thân thể mình cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục.” Như hồi nãy tôi thưa với quý vị, vì đã bao nhiêu năm rồi tôi không tập luyện, tôi chạy khó khăn lắm. Làm sao mình tập chạy? Mình chạy. Khi tập chạy, hôm nay mình cố gắng thêm một tí, hôm sau mình cố gắng thêm một tí, và một thời gian sau, mình có thể chạy dễ dàng. Làm sao mình tập giở tạ? Mình giở ta. Làm sao mình có thể sống đời sống đẹp lòng Chúa? Mình ráng làm điều đó mỗi ngày mỗi giờ.

Người lực sĩ cũng phải để ý đến thức ăn trong khi tập luyện. Cũng vậy, chúng ta phải đọc lời Chúa mỗi ngày. Đọc không phải chỉ để biết thêm kinh thánh trên đầu, nhưng đọc để lời Chúa thấm nhập vào trong con người của mình. Chúng ta phải suy nghĩ lời Chúa mỗi ngày, như một con bò nhai đi nhai lại thức ăn vậy. Khi chúng ta có lời Chúa như vậy rồi, thì khi gặp những sự trở ngại trong cuộc đua, tự nhiên chúng ta có thể đối phó với chúng dựa theo sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Lời của Chúa thấm nhầm vào trong đời sống của chúng ta, để chúng ta có thể đối xử với những vần đề đó một cách đẹp lòng Chúa.

Chúng ta cũng phải cầu nguyện với Chúa, hướng lòng mình đến Chúa mỗi ngày, mỗi giờ trong đời sống chúng ta, để nhớ là mình có Chúa, để hiểu Chúa nhiều hơn, để tình thông công của mình với Chúa đậm đà hơn, và để khi mình gặp những khó khăn trong đời, mình biết dâng hiến chúng lên Chúa, và nương cậy vào Ngài. Tại sao mình có thể làm được điều đó? Vì mình đã có những thói quen làm những điều đó trong lúc tập luyện.

d. Chạy chung

Có một điều khác cũng rất quan trọng trong cuộc đua của chúng ta; đó là mình chạy với những tín hữu. Khi chúng ta chạy, nếu có một người bạn chạy cùng một bên, thì đó là điều quý hóa vô cùng. Người chạy cùng với quý vị trong cuộc đua thuộc linh là những người đang ngồi chung với quý vị trong ngôi nhà thờ này. Thay vì ở nhà cầu nguyện một mình, đọc kinh thánh một mình, chúng ta đến đây cầu nguyện, thờ phượng chung với nhau, để khuyến khích nâng đỡ, dìu dắt lẫn nhau trong cuộc chạy. Xin đừng bỏ những giờ thờ phượng. Nếu bỏ một thời gian, chúng ta sẽ thấy đời sống thuộc linh của mình nguội lạnh đi, vì không có người chạy cùng. Chúng ta cần lẫn nhau. Hội thánh cần quý vị, và quý vị cần hội thánh, để chúng ta có thể chạy đến đích.

Tóm lại, trong cuộc đua thuộc linh, chúng ta trước hết phải nhìn Chúa Giê-xu. Ngài là cuối cùng của đức tin và cũng là sự khuyến khích cho chúng ta. Chúng ta phải tập luyện, bằng sự cầu nguyện và đọc kinh thánh. Chúng ta cũng cám ơn những người ngồi trong hội thánh này, là những người chạy chung với chúng ta, trong đoạn đường vắng vẻ, cô đơn của chúng ta.

Mục sư Đỗ Lê Minh